Lê Luân - Sự bảo thủ trong tư tưởng đã giết chết chúng ta - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Lê Luân - Sự bảo thủ trong tư tưởng đã giết chết chúng ta



“Nếu có sự ngu dốt nào đó được sinh ra, thì chắc chắn nó phải xuất phát từ một cái đầu của sự bảo thủ”.

Theo tôi, đây chính là một đặc tính khá nổi bật của người dân chúng ta. Vì đầu óc thủ cựu ăn sâu vào trong tư tưởng của nhiều thế hệ, nên thành ra chúng ta gần như giậm chân tại chỗ về các phát minh khoa học hay sáng kiến học thuật so với thế giới.

Chúng ta có một bất lợi lớn trong nhận thức do chuyển đổi hệ tư tưởng một cách đột ngột bằng cách thay đổi mô hình xã hội từ chế độ phong kiến qua một hình thái xã hội mà chúng ta chưa thể định hình. Điều này đã làm chúng ta khó khăn trong việc lựa chọn và vận dụng các thành quả của nhân loại về áp vào trong đất nước mình. Từ giáo dục của Tây phương, từ các quan điểm về dân quyền và nhân quyền, từ các học thuyết kinh tế kinh điển lẫn các triết lý học thuật về triết học, pháp luật lẫn chính trị, chúng ta gần như không tiếp nhận chúng để áp dụng vào trong xã hội chúng ta. Và từ một nước thuần phong kiến thuộc địa, với nền nông nghiệp lạc hậu, tư tưởng bị trói buộc bởi ý thức hệ và mang tính tôn giáo của Khổng Giáo nên thành ra đa phần người dân còn chưa thoát được tư tưởng lạc hậu của mình.

Chúng ta với tâm lý e ngại sự thay đổi, sợ đối mặt với cái mới, không muốn cải cách một khi chưa thấy hậu quả trước mắt. Vì thế mà dẫn tới chúng ta luôn muốn giữ bằng được cái cũ, cái đã thành thói quen ứng xử trong xã hội mà được định hình là chuẩn mực trong khuôn khổ của đạo đức và văn hóa chung của con người. Đây chính là tâm lý khiến cho con người chúng ta trở nên vừa bảo thủ mà lại vừa nhút nhát, khó thay đổi hoặc tiếp cận cái mới thì luôn thận trọng một cách quá mức. Và như thế thì văn minh của nhân loại ngày càng bỏ xa chúng ta trong khi chúng ta mãi còn chưa cả dung nạp hết được những thứ mà các quốc gia phát triển đã kiến tạo ra từ lâu mà là lạc hậu với họ.

Không thể để cho tư tưởng chúng ta trở nên như vậy được. Lý do là vì đâu ngoài những căn nguyên bởi yếu tố văn hóa thuộc về tâm lý con người người như vậy? Tôi cho rằng phần lớn sẵn chứa tâm lý đó có sự đóng góp của những chuyển động lịch sử bằng các chiến thắng của quân sự trong chiều dài dựng nước và giữ nước của chúng ta. Vì có lẽ, đất nước chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị tàn phá, đô hộ, cai trị và áp đặt bởi rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, và chúng ta lần nào cũng đánh thắng được các quốc gia ngoại bang tới xâm lược, và đây chính là nền tảng tạo nên nhận thức cho đa phần người dân của chúng ta là quốc gia mạnh và xuất sắc hơn các quốc gia bại trận khác.

Tuy nhiên, điều đó đã làm kìm hãm con người trong tư tưởng thỏa mãn và tự an lòng với mình khi chiến tranh qua đi. Chúng ta cho rằng hòa bình đã là một điều may mắn mà có thể bằng lòng với nền kinh tế nghèo một chút cũng không sao. Đây là một tư tưởng tàn phá và kìm hãm xã hội phát triển đi lên. Chúng ta hãy nhớ là các quốc gia khác có phát triển được kinh tế thì mới mạnh về quân sự, và từ đó mới đi xâm chiếm và đô hộ các quốc gia yếu khác nhằm thu vén lợi ích, tài nguyên về xây dựng quốc gia mình.

Và nếu nói về các cuộc chiến tranh, nhiều quốc gia khác đều có những chiến thắng lừng lẫy và vang dội, nhưng nước Pháp không vì 39 trận thắng của Napoleon mà khiến họ trở nên tài giỏi hơn các quốc gia khác cùng thời đó. Không vì các quốc gia phe phát xít sẽ trở nên ngu ngốc và kém cỏi hơn các quốc gia khác ở phía đồng minh mặc dù họ là các quốc gia bại trận. Và thử nhìn xem, nước Đức và Nhật sau khi từ bỏ chủ nghĩa phát xít họ đã trở thành những quốc gia cường thịnh và vững mạnh một cách toàn diện như thế nào.

Thế thì điều gì đã khiến các quốc gia đó trở nên phát triển và cường thịnh như vậy? Vì ngoài đặc tính thông minh vốn có của họ, họ còn biết học hỏi sự tiến bộ và các giá trị hữu ích của các quốc gia khác mang về đất nước mình để áp dụng một cách triệt để, trên ba phương diện mà như tôi đã nói ở trên.

Chúng ta bảo thủ trong tư tưởng còn thể hiện ở một điểm, đó là thường rất khó thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của chính mình. Tôi cho rằng đây chính là đặc tính khiến chúng ta cứ mãi giậm chân tại chỗ so với thế giới xung quanh. Không dám phê phán, không dám thừa nhận sai lầm, không muốn nghe ý kiến của người khác, thậm chí trù dập các quan điểm đối lập so với mình chính là yếu tố đẩy đất nước đến phần lạc hậu so với trình độ và nhận thức của thế giới, mà nếu có biết rằng đã phạm sai lầm thì lại không sửa chữa ngay, mà âm thầm và thực hiện một cách chậm rãi, khiến cho những cơ hội tốt đẹp và thuận lợi cứ ngày một trôi qua trong tầm tay.

Ngại thay đổi, khó tiếp nhận cái mới, bài xích những quan điểm đối lập và áp đặt tư tưởng của mình lên người khác, chính là các biểu hiện nổi bật của tư tưởng bảo thủ. Và nó dẫn đến sự trì trệ của con người, mà từ đó là kéo theo sự trì trệ của một quốc gia. Chúng ta phải thay đổi điều này ngay tức khắc mới mong có thể giải phóng được tư duy, khai sáng được tầm thức và từ đó mới kiến tạo mà đưa đất nước phát triển được.

Ls Lê Luân

(FB Lê Luân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad