Bài báo không được đăng về bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Bài báo không được đăng về bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ”


1. Việc Trung Quốc đưa thông điệp chung chung qua phim ảnh: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay” cho thấy mưu đồ gì của Bắc
Kinh?

Sách khẳng định “Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma” 4 năm cấm không được xuất bản. Phim khẳng định Biển Đông thuộc của Trung Quốc được duyệt chiếu khắp Việt Nam

Các nhà nghiên cứu trên thế giới đều hiểu rõ Trung Quốc đang dùng những chiến lược, chiến thuật nào để hợp thức hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Vì những tuyên bố chủ quyền của họ là trái với luật pháp quốc tế, chiến thuật của họ dùng là mập mờ, hay nói như dân gian “lập lờ đánh lận con đen”. Họ không tuyên bố rõ quy chế pháp lý của vùng biển phía trong “đường lưỡi bò” với hai lý do: 1) họ khỏi phải viện dẫn luật pháp quốc tế để chứng minh cho tuyên bố của họ, và 2) họ có toàn quyền phát ngôn tiếp về vùng biển này. Như vậy, hoàn toàn có khả năng trong tương lai họ có thể nói rằng vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” là “lãnh hải’ của Trung Quốc. Cái này không gây ngạc nhiên khi nó song hành với chiến lược “nói mãi, nói khéo léo kết hợp với sức ép về kinh tế, chính trị và quân sự sẽ giúp người ta dần chấp nhận những tuyên bố phi lý”. Về mặt phi lý thì người bình thường nào cũng biết là Trung Quốc có thừa. Không một người có lương tri, hiểu biết luật pháp quốc tế về biển nào lại có thể tưởng tượng ra việc Trung Quốc tuyên bố về các “quyền” của họ tại vùng biển bên trong đường “lưỡi bò” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.

Tôi nhớ trong một hội thảo quốc tế, một diễn giả nổi tiếng đã hỏi đoàn Trung Quốc: “đề nghị Trung Quốc nêu rõ quy chế pháp lý bên trong đường lưỡi bò là gì? Nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay là gì?”. Đại biểu Trung Quốc đã không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Theo kinh nghiệm của nhiều bạn bè tôi, Trung Quốc luôn ghi chép rất kỹ các phản ứng của các nước để khi cần thì tung ra làm bằng chứng có lợi cho họ.

Theo facebooker Phạm Sỹ Thành, trên trang Bộ Quốc phòng Trung Quốc có viết rằng ở cảnh này, hải quân Trung Quốc yêu cầu tầu nước ngoài ngay lập tức rời đi khi tiến vào vùng biển thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một phần).

Tôi nghĩ rằng âm mưu của Trung Quốc còn lớn hơn thế. Nếu các nước có biển và đảo mà Trung Quốc đang tự tiện lấn chiếm trái phép mà chiếu phim này, hoàn toàn có cơ sở để nói rằng sau này Trung Quốc sẽ nói “chúng tôi đã tuyên bố về hải phận của chúng tôi trên Biển Đông trong bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ, nhưng khi công chiếu tại nước các bạn, không thấy các bạn nói gì. Im lặng nghĩa là đồng thuận. Tại sao các bạn bây giờ lại nói ngược với trước kia?”.

Có thể thấy rằng sự việc tưởng như rất đơn giản nhưng thật ra ẩn chứa những âm mưu sâu xa, rất cần cảnh giác. Đây thực ra là cái bẫy mà Trung Quốc giăng ra để lừa những người thiếu cảnh giác.

2. Trách nhiệm của Hội đồng kiểm duyệt bộ phim này như thế nào? Cũng như đánh giá của ông về phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.

Tôi cho rằng đánh giá của Cục Điện ảnh rằng “khán giả quá nhạy cảm” là quá hời hợt. Thực sự vấn đề là nghiêm trọng khi vô tư công chiếu bộ phim này.

Tôi cho rằng đây là nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc của Hội đồng kiểm duyệt bộ phim này. Theo những thông tin tôi biết, trong Hội đồng không có những chuyên gia về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển của Trung Quốc. Đúng ra thì đối với những việc nhạy cảm như thế này, rất cần có những ý kiến của các chuyên gia nêu trên. chúng ta có rất nhiều chuyên gia với kiến thức chuyên môn tốt, có thể tư vấn hiệu quả. Do thiếu kiến thức chuyên môn, Hội đồng và Cục Điện ảnh đã không đánh giá được mức độ nguy hiểm của việc công chiếu bộ phim nêu trên.

Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển là nhiệm vụ của toàn dân. Rất mong các cơ quan quản lý nhà nước nhạy cảm và cẩn trọng, rất cẩn trọng khi xử lý vấn đề này.


Vũ Thanh Ca
FB Vũ Thanh Ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad