Lần khác, phản biện cho một luận án TS nghiên cứu về “Đặc điểm nhân cách gái mại dâm”, cũng người của quý Cục; cô NCS là H. bảo, nghiên cứu cái này khổ lắm thầy ạ. Có lần em đang trò chuyện với gái mại dâm đứng đường thì mấy thanh niên sáp vô, đòi túm luôn em đi! Rồi mọi người cứ gọi em là “H. mại dâm”! Cho nên bây giờ Cục trưởng đang phụ trách đề tài nghiên cứu và Dự án Luật về mại dâm, mà gọi “Cục trưởng mại dâm” là rất chuẩn!
1. Mại dâm là chuyện cổ xưa của loài người, cấm hoài, bắt mãi, làm nhục chị em bằng đủ mọi cách: chụp hình họ ăn mặc hở hang đưa lên báo, chí; đưa về địa phương bêu riếu; CA ở Phú Quốc còn nhục mạ họ trước dân phố; bọn chăn dắt, bảo kê còn ăn chặn của chị em những đồng tiền mồ hôi nước mắt, mà ngoài mặt bọn nó vẫn bảo là “bẩn thỉu”. Thế nhưng “mại dâm vẫn phát triển, diễn biến ngày càng phức tạp”… như báo cáo của quý Cục. Như vậy, cần hiểu rằng, cái gì cấm mãi không được, nó vẫn tồn tại, phát triển, tức là nó có tính QUY LUẬT. Cần nghiên cứu quy luật của nó để nó tồn tại tự nhiên, được QUẢN LÝ theo luật pháp, một cách văn minh, sẽ hạn chế bớt tiêu cực từ người mua, bán dâm và nhất là với bọn bảo kê. Hiện nay, cờ bạc và ma túy, nhiều nước, nhiều nơi cũng không hình sự hóa, mà đưa vào quản lý một cách công khai hóa… Cấm mãi không được, vậy biết quản lý khoa học, văn minh thì sẽ bớt tệ hơn.
2. Biện pháp bắt gái mại dâm vào “Trại lao động, cải tạo, phục hồi nhân phẩm”...rất tốn kém, nhiều việc vi phạm nhân quyền, dân quyền, mà thực chất có tác dụng gì không? Tôi nhớ, có hỏi riêng NCS H., kết quả thực của “phục hổi nhân cách gái mại dâm” thế nào? Cô cười, kể chuyện, có cô gái “điển hình tiến tiến”, “cải tạo xuất sắc”, báo cáo điển hình trước toàn Trại…Và cô được cho về “tái hòa nhập xã hội”… Nhưng khi NCS đến nhà cô, ở Hà Nội, xem cô về “làm lại cuộc đời” thế nào, thì gia đình cho biết, cộ gọi điện về, bảo, bố mẹ yên tâm, con đang ở Sài Gòn. Thì ra, vừa ra khỏi trại, cô đã nhảy lên xe tải đường dài, phục vụ mấy anh tài xế, vô Nam…
3. Cục trưởng đừng lo “bò trắng răng”: “…công nhận mại dâm là một nghề thì cực kỳ khó. Nếu theo luật giáo dục nghề nghiệp, đã có nghề phải có tiêu chuẩn nghề, ông tổ nghề, có bộ giáo trình dạy nghề được cấp, thang bảng lương… vô cùng phức tạp!” (Báo TN, 29/3/2018). Thế này nhé:
– Gọi là “nghề” sợ lẫn với nghề bác sĩ, kỹ sư, báo chí, tuyên huấn, công tác đảng…, thì cứ gọi là VIỆC LÀM (job), theo định nghĩa: “Việc làm là phương tiện kiếm sống, không vi phạm pháp luật”, thế thì người làm Sex Worker còn sợ gì đứa nào! Nếu ông quản lý văn minh, lịch sự, chị em tin ông, quý ông, xúm đến đăng ký, ông cấp cho họ cái THẺ HÀNH NGHỀ đàng hoàng thì ông cũng vinh hạnh, có thành tích giải quyết thất nghiệp được bao nhiêu người, còn Nhà nước thu được ối tiền…;
– Về “tiêu chuẩn nghề, ông tổ nghề…” không có gì “vô cùng phức tạp” đâu Cục trưởng ạ. Ông khỏi nghĩ đau đầu, nát óc cho tổn thọ. Ông chả cần hội thảo hoành tráng, băng rôn, cờ quạt, trên có khẩu hiệu, dưới có tượng làm gì, chỉ cần mời vài chục chị em có thâm niên trong nghề, đến, họ sẽ nói vanh vách cho ông các loại “tiêu chuẩn”, phân loại A – B – C… theo nhu cầu, thị hiếu khách hàng, biết ngay là quan lớn, đại gia, quan bé thích loại nào; rồi thường dân, các ông già, lứa choai choai… ưa dùng loại nào.v.v… Còn đối với quốc tế, nghe đồn, chị em đã tổng kết: “Nhất Phi, nhì Hàn, tam Loan, tứ Quốc” gì đó… Ông “Tổ nghề” thì cứ để chị em tự do lựa chọn, suy tôn, không cần ông phải định hướng, ông ấy thuộc phe phái nào, lý lịch ra sao, râu tóc kiểu gì!
– Về “bộ giáo trình dạy nghề được cấp”, Cục trưởng cũng khỏi lo. Lời mở đầu nhập môn bộ Giáo trình cứ lấy ý tứ trong Truyên Kiều, ví dụ, đoạn Tú Bà mở lòng cho Thúy Kiều:
Vừa tuần nguyệt sáng gương trong,
Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò:
“Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi, ta phải biết cho đủ điều”,
Nàng rằng: ” Mưa gió dập dìu,
“Liều thân thì cũng phải liều thế thôi “.
Mụ rằng: ” Ai cũng như ai,
Bỗng dưng ai mất tiền hoài đến đây,
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung,
Này con thuộc lấy nằm lòng,
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề,
Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời
Khi khóe hạnh khi nét ngài
Khi ngâm ngơi nguyệt khi cười cợt hoa
Điều là nghề nghiệp trong nhà
Đủ ngần ấy nếp mới là người soi”…
Đảm bảo mới nghe vào đề lớp tập huấn, các học viên tỉnh như sáo, chứ chả ai ngủ gà ngủ gật như các đại biểu họp Quốc hội đâu. Còn nội dung giáo trình, cổ điển có “Tố Nữ Kinh” của Trung Quốc; có “giáo trình” của Ấn Độ, Nhật Bản… Còn trong nước nghe nói các cụ ta có bộ “giáo trình” bằng chữ Nôm, có cả tranh minh họa. Cái này TS Nguyễn Xuân Diên rành lắm, nhờ TS cung cấp. Quán triệt đường lối của Đảng, ta đi từ truyền thống đến hiện đại. Cục trưởng cứ lên Google mà tìm, ối giờ ôi, đủ các tài liệu tập huấn cả lý thuyết, thái độ, kỹ năng, công cụ kỹ thuật hỗ trợ… Còn thực hành món này, chắc nhiều tình nguyện viên lắm đấy ạ. Bây giờ, chả phải “Vành ngoài bảy chữ”, mà có đến 16 chữ ấy chứ; “vành trong tám nghề” thì phát triển khéo đến 8x 4 = 32 kiểu ấy chứ! Thế mà Cục trưởng bảo “vô cùng phức tạp”!
– Về “thang bảng lương nghề”, Cục trưởng khỏi lăn tăn cho chị em. Xin hỏi Cục trưởng, ông có phải lo “thang bảng lương” cho người bán hàng rong, thợ cắt tóc, thợ sửa xe, tiểu thương bán hàng ở chợ và 50 – 60% dân ta vẫn làm nông nghiệp không? Vậy sao phải lo lương cho chị em? Hay ông định quy hoạch mai dâm vào “doanh nghiệp nhà nước”, làm “quả đấm không khói” mà ăn to? Thôi, cứ để chị em được cấp phép tự do hành nghệ trong khuôn khổ pháp luật, ba bôn bên đều hưởng lợi.
4. Gợi ý chắc cũng bằng thừa, nhưng sợ thằng thư ký đánh máy thiều, nên nhắc Cục trưởng nhớ dự trù kinh phí cho Đề tài nghiên cứu, cái khoản đi du khảo về quản lý mại dâm ở Đức, Hà Lan, Thái Lan, Sing, Nhật, Hàn và ông anh Trung quốc.
Thế nào, Cục trưởng đã thấy hết “vô cùng phức tạp” chưa?
Thôi, tư vấn lần này miễn phí. Nhưng Bao giờ nghiệm thu Đề tài, nhà cháu xin một chân phản biện, và Cục trưởng cho cái phong bì nằng nặng tí, nhé!
© Mạc Văn Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét