Nghiệp vụ công an Việt Nam qua vụ Đồng Tâm và Tuấn ‘khỉ’! - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Nghiệp vụ công an Việt Nam qua vụ Đồng Tâm và Tuấn ‘khỉ’!


Phó chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc hội Việt Nam Khóa XIII, đại biểu Nguyễn Đình Quyền từng phát biểu với truyền thông trong nước hồi tháng 11 năm 2013 rằng ‘cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh’.

Một Cảnh sát Cơ động Việt Nam


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Thực tế trong nhiều năm qua cũng cho thấy bất cứ tiếng nói đối lập, nhà hoạt động cổ xúy cho dân chủ - nhân quyền nào cũng đều nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của an ninh, công an.

Tuy nhiên có hai vụ gần đây là vụ đánh úp vào Đồng Tâm hôm ngày 9 tháng 1 và vụ truy bắt ông Lê Quốc Tuấn, tức Tuấn ‘khỉ’ khiến nhiều người đặt câu hỏi về nghiệp vụ của công an Việt Nam.

Chiều 29 tháng 1 năm 2020, ông Lê Quốc Tuấn, một công an, đã mang súng AK giết chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi sau khi tham gia đá gà, đánh bạc từ sáng đến trưa, thua bạc và cự cãi với một số người.

Từ sáng đến trưa 30 tháng 1, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã được Bộ Công an cử đến hiện trường để chỉ đạo khoảng 500 Cảnh sát cơ động, hình sự vũ trang vây bắt kẻ giết người. Các tuyến đường liên quan đều có rất đông cảnh sát ôm súng, phong tỏa nhiều lớp.

Đến nay đã hơn một tuần nhưng kẻ thủ ác vẫn bặt vô âm tín. Công an huyện Củ Chi xác nhận với RFA vào chiều tối 6 tháng 2:

“Vẫn chưa tìm được. Chưa bắt được chị ạ!”

Anh Vĩnh, một người dân Củ Chi cho rằng công an phong tỏa, rà soát nhiều tuyến đường ở đây nhưng vẫn không ‘thấy tăm hơi’ ông Tuấn ở đâu trong khi dân vừa hiếu kỳ vừa lo sợ cho tính mạng của mình khi biết hung thủ có súng. Anh nhận định:

“Huy động lực lượng 500 người bao vây một khu vực không rộng lớn nhưng không bắt được. Cái đó một phần do năng lực yếu kém của lực lượng công an, một phần họ sợ trách nhiệm. Có lẽ họ muốn kéo dài thời gian cho đối tượng mệt mỏi ra đầu thú. Như vậy là an toàn nhất.”

RFA liên lạc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh để hỏi thêm thông tin cũng như cảm nhận của họ khi người dân đánh giá nghiệp vụ của ngành công an nói chung thì nhận được câu trả lời:

“Cái này tôi không có ý kiến. Ngoài thẩm quyền của tôi nên tôi không trả lời được. Chị muốn gì chị lên trực tiếp phòng hình sự hỏi.”

Hai mươi ngày trước đó, rạng sáng ngày 9 tháng 1, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ đến để bắt giữ những người dân phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp bị cho là phi pháp ở khu đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm và giết chết ông Lê Đình Kình, bắt đi gần 30 người dân.




Hai sự việc trên khiến người dân đặt câu hỏi về nghiệp vụ của lực lượng vũ trang Việt Nam khi huy động hàng ngàn người để giết chết một cụ già 84 tuổi đời, gần 60 tuổi đảng ngay tại nhà vào lúc tối trời; trong khi đó hàng trăm cảnh sát cơ động dưới sự chỉ đạo của cả tướng công an chỉ để truy bắt một đối tượng suốt cả tuần lễ mà vẫn chưa đạt kết quả gì.

Cảnh sát Việt Nam xem xét một vài loại vũ khí mới tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội ngày 18 tháng 8 năm 2015 AFP
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Hội nhận định:

“Công an Việt Nam từ trước đến vẫn được mệnh danh là giỏi nhất thế giới, nhưng qua hai vụ việc thì chứng tỏ điều ngược lại. 500 công an không bắt được một đối tượng; 3000 công an giết được một cụ già. Đó là một điều nghịch lý. Nó chứng tỏ trình độ của công an ngày nay không được như mong muốn. Cũng có thể do đối tượng quá giỏi vượt được vòng vây truy nã và vây bắt trong khi công an thì quá kém”.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ phân tích thêm về hai vụ việc có lực lượng công an, cảnh sát tham gia đông đảo với trang bị tận răng:

“Việc sử dụng đến 3000 cảnh sát trang bị tận răng tấn công thôn Hoành là để dập tắt sự phản kháng của người dân chống lại việc chính quyền lấy đất trái pháp luật, cụ thể họ đã giết cụ Lê Đình Kình và bắt những người trong “nhóm Đồng Thuận”. Còn vụ huy động 500 cảnh sát cơ động cũng vũ trang đến tận răng truy bắt một tên tội phạm đang trong ngành công an, thì về mặt nghiệp vụ là quá kém.

Họ đã rầm rộ đem một lực lượng 3000 người đến tấn công làng Đồng Tâm và giết một cụ già nên bây giờ phải dùng 500 cảnh sát cơ động với một Thứ trưởng công an chỉ huy để bắt một tên công an giết người, phải chăng Bộ công an muốn cho người dân thấy sự cân bằng giữa hai sự việc kiểu như ‘đánh bùn sang ao’?”


Hồi giữa tháng 12 năm 2019, TP.HCM tổ chức một buổi diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của nhiều cơ quan như Công an TPHCM, Bộ tư lệnh TPHCM, UBND TPHCM, Cảng quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất… nhằm đánh giá khả năng thực binh, ứng phó của các đơn vị khi có các sự cố xảy ra như: các thành phần xấu lợi dụng không gian mạng để kích động, gây rối trật tự hoặc nhóm khủng bố lợi dụng tình hình phức tạp để tấn công trụ sở, cơ quan nhà nước, bắt giữ cán bộ, hoặc dùng chất nổ đe dọa khủng bố cơ quan nhà nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5 tháng 2, liên quan đến vụ xả súng ở sới bạc Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM, Trung tướng Lương Tam Quang bác bỏ thông tin “công an đã huy động lực lượng lớn” để vây bắt Tuấn ‘khỉ’ trong khi tờ Bảo vệ Pháp luật, một cơ quan của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa thông tin ‘500 Cảnh sát đang vây bắt nghi phạm bắn chết 4 người ở Củ Chi’ hôm 30 tháng 1.

Báo trong nước dẫn lời ông Lương Tam Quang rằng: “Tôi không rõ thông tin về việc “huy động lực lượng lớn” xuất phát từ đâu. Về vụ việc có nguyên nhân do mâu thuẫn đánh bạc, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Lê Quốc Tuấn và Phạm Thanh Tâm. Hiện Tâm đã đầu thú”.

Trong vụ tấn công vào Đồng Tâm hôm 9 tháng 1, có một sĩ quan cao cấp và hai sĩ quan cảnh sát cơ động bị thiệt mạng. Bộ Công an nêu ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 người này không thống nhất. Tuy nhiên ngay sau đó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và bộ trưởng công an vinh danh, tưởng thưởng cho họ. Nhiều ý kiến thắc mắc liệu chiến công mà họ thực hiện được có phải là do bắn chết người dân hay không?


Diễm Thi
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad