Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tình báo trên Biển Đông với Hoa Kỳ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tình báo trên Biển Đông với Hoa Kỳ


Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/4/2018​. Reuters

Đe doạ từ Trung Quốc

Cho tới những năm gần đây, sự trỗi dậy trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc đã khiến khu vực Biển Đông trở thành “thùng thuốc súng” nguy hiểm trên thế giới. Mục tiêu quan trọng của Trung Quốc là phải độc chiếm được biển Đông của nước này, từ đó tạo đà cho Trung Quốc vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thoả mãn “giấc mộng Trung Hoa” của mình.

Các hành động hung hăng trên biển Đông của Trung Quốc đã góp phần đẩy Việt Nam - nước láng giềng đồng thời cũng là nước “xã hội chủ nghĩa anh em” của Trung Quốc ra xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, đồng thời Việt Nam cũng xích lại gần với Hoa Kỳ - cựu thù của Việt Nam trước đây.



Việt Nam đang dần nhận ra không thể tin tưởng Trung Quốc được khi “chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ” ăn sâu vào trong máu của lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, với các năng lực quân sự trên biển thì Việt Nam còn rất lâu mới có thể theo kịp được Trung Quốc. Chính vì vậy, Việt Nam đã phải cầu viện sự giúp đỡ trong việc xây dựng các năng lực trên biển từ Hoa Kỳ để đối phó trước hải quân Trung Quốc hung hăng và mạnh mẽ.

Ai mạnh hơn ai?

Trung Quốc càng ngày càng tăng cường việc sử dụng sức mạnh của mình ở khu vực này, trong số đó có hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) trên Biển Đông.

Cho đến nay, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ ấn tượng về số lượng, sự đa dạng và chất lượng của năng lực ISR trên Biển Đông của họ.

Tuy nhiên, năng lực ISR của Mỹ tại khu vực này vẫn vượt trội hơn. Đối với Trung Quốc, Biển Đông là nơi trú ẩn cho các tàu ngầm hạt nhân đánh chặn của nước này đóng tại căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin) trên đảo Hải Nam, giúp ngăn cản một đợt tấn công đầu tiên. Mỹ muốn khai thác khu vực trú ẩn này bằng cách sử dụng ISR để phát hiện, theo dõi và nếu cần có thể tấn công các tàu ngầm của Bắc Kinh. Trung Quốc phản ứng bằng cách phát triển khả năng vô hiệu hóa ISR của Mỹ tại một số khu vực mà nước này chiếm giữ trên Biển Đông trong thời gian xảy ra xung đột. Các hệ thống lắp đặt nói trên đóng vai trò then chốt đối với an ninh của Trung Quốc và nước này sẽ không thay đổi, bất chấp những đe dọa từ phía Mỹ và các quốc gia khác.

Hai tàu của Trung Quốc dừng ngày trước tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ ở Biển Đông hôm 8/3/2009. Reuters

Những động lực chiến lược cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á. Thật vậy, các quốc gia cung cấp địa điểm cho ISR của Mỹ, trong đó gồm Malaysia, Philippines và Singapore, có thể trở thành mục tiêu của Trung Quốc nếu xung đột Mỹ-Trung nổ ra. Theo Felix Chang, một cựu sĩ quan tình báo Mỹ, việc Trung Quốc cải thiện năng lực ISR trên Biển Đông đã được chứng minh thông qua thời gian phản ứng nhanh nhạy hơn của lực lượng hàng hải đối với các sự kiện tại đây. Felix Chang cho rằng Trung Quốc có ý định “phát triển một mạng lưới ISR có khả năng tấn công các tàu xa bờ”.

Sau khi lắp đặt radar trên đất liền và ven biển cùng các thiết bị định hướng tần số cao tại các địa điểm như Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, đồng thời trang bị thêm vệ tinh, máy bay cảnh báo sớm trên không và máy bay không người lái, Trung Quốc có thể “tạo ra một pháo đài hải quân nhằm răn đe hạt nhân trên biển”. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thể sánh ngang với mạng lưới khổng lồ gồm các máy bay ISR, tàu nổi, tàu ngầm, vệ tinh và máy bay không người lái của Mỹ - trong đó nhiều loại có chức năng chuyên biệt, giống như tàu do thám Impeccable. Cho đến nay, Mỹ có lực lượng máy bay do thám lớn nhất và giàu năng lực nhất thế giới, được gọi là các máy bay tình báo tín hiệu (SIGINT). Hơn nữa, Mỹ còn trang bị cho hầu hết các tàu chiến hàng đầu của hải quân nước này, như tàu tuần dương lớp Ticonderoga, tàu khu trục lớp Arleigh Burke và các tàu ngầm, nhằm thực hiện các nhiệm vụ SIGINT. Năng lực ISR qua vệ tinh của Mỹ vượt xa Trung Quốc, chưa kể đến những đóng góp tiềm năng về khí tài quân sự đến từ các đồng minh và đối tác của nước này, như Nhật Bản, Australia và Đài Loan. Các khí tài ISR của Mỹ thu thập thông tin liên lạc giữa các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc, cũng như các hệ thống radar và vũ khí, trong đó có tên lửa đất đối không, pháo phòng không và máy bay chiến đấu. Các tàu thăm dò ISR khác của Mỹ thu thập thông tin tình báo theo dạng “có thể hành động” đối với chiến tranh viễn chinh và chiến tranh bất thường.



Theo báo cáo của Cơ quan An ninh quốc gia-hải quân Mỹ về vụ va chạm giữa một máy bay do thám của nước này với máy bay chiến đấu Trung Quốc năm 2001, Mỹ có khả năng xác định vị trí và thu thập các đường truyền liên quan đến tàu ngầm Trung Quốc, cũng như so sánh tương quan giữa chúng với các tàu cụ thể. Mỹ cũng có thể triển khai một số nhiệm vụ ISR nhằm kích động phản ứng của các lực lượng quân đội bị nhắm đến, qua đó giúp chặn đứng luồng thông tin liên lạc. Trung Quốc đã có nhiều hoạt động khiêu khích Mỹ trong vấn đề này. Ví dụ như vụ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan máy bay EP-3 và P-8A Poseidon, cùng các tàu của Hải quân Mỹ như Impeccable và Bowditch.

Việt Nam cần dựa vào Mỹ

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trên mọi phương diện, kể cả trong lĩnh vực nhạy cảm là an ninh đang tiếp tục được thắt chặt trong những năm gần đây. Điều này được thể hiện qua nhận định gần đây của Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink, cho rằng hai nước hầu như có lợi ích song trùng về vấn đề an ninh và ổn định khu vực. Điều đó lý giải vì sao Chính quyền Biden quyết định coi Việt Nam là đối tác chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi đưa tên Việt Nam, mà không phải hai đồng minh của Mỹ ở khu vực là Philippines và Thái Lan, vào Hướng dẫn chiến lược an ninh tạm thời mới được công bố đầu tháng 3/2021. Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam mới chỉ là quan hệ đối tác toàn diện, nhưng theo nhà phân tích Grossman, quan hệ này trên thực tế đã ở mức chiến lược.

Một trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên, đó chính là giúp Việt Nam tăng cường các hoạt động ISR trên biển Đông. Từ năm 2015, chính quyền Obama đã đồng ý cung cấp khoản trợ cấp 40 triệu USD cho việc tăng cường hoạt động ISR của Việt Nam. (1)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 31/5/2017. Reuters

Năm 2017, trong tuyên bố chung Việt - Mỹ trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng có nhắc tới việc tăng cường hợp tác an ninh và tình báo giữa hai bên. (2)

Mặc dù hai bên không cho biết cụ thể là hoạt động hợp tác an ninh và tình báo giữa hai bên là gì, nhưng giới chuyên môn nhận xét đó là các thông tin ISR trên biển Đông mà Việt Nam cần có để chuẩn bị nếu xảy ra một cuộc tấn công trên biển từ Trung Quốc.

Trước đây, các thông tin ISR dạng này được phía Liên Xô cung cấp cho Việt Nam. Các hoạt động thu thập thông tin ISR của Việt Nam bị hạn chế rất nhiều, bởi vì các thông tin này phải thu thập bằng các vệ tinh và các thiết bị sonar ngầm dưới đáy biển, trong khi phương tiện và khả năng của Việt Nam không cho phép. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có vệ tinh dùng cho mục đích dân sự, không có các vệ tinh quân sự. Chính vì vậy, các thông tin ISR mà Hoa Kỳ cung cấp rất có giá trị cho hải quân Việt Nam.



Gần đây, phía Hoa Kỳ đang nỗ lực thúc đẩy việc tăng cường các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các quan chức Việt Nam dường như tập trung vào Đại hội Đảng lần thứ 13, thực chất là cuộc sắp xếp lại các vị trí nhân sự cao cấp của Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới, quan hệ hợp tác và giao lưu quốc phòng Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác và chia sẻ thông tin ISR giữa hai bên.

   Mời xem thêm »


© Thiên Di
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad