Nước ngọt có ruồi và giải pháp bảo vệ quyền người tiêu dùng - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

demo-image

Nước ngọt có ruồi và giải pháp bảo vệ quyền người tiêu dùng


Vụ công an bắt người tiêu dùng Võ Văn Minh vì tội “tống tiền” sau khi Tân Hiệp Phát ngầm thỏa thuận “đền bù” 500 triệu đồng gây ra nhiều phản ứng trong xã hội. Ngoài những câu hỏi về cách công ty Tân Hiệp Phát giải quyết vấn đề, đạo đức xã hội trong việc xử lý các vụ việc tương tự, một câu hỏi lớn đó là người tiêu dùng Việt Nam có quyền gì, và quyền này đang được bảo vệ như thế nào?

vnuoc-ngot-co-ruoi
Ảnh: ông Võ Văn Minh bị "bắt quả tang" với tang vật (Nguồn: internet)
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2011. Luật cụ thể hóa nhiều quyền quan trọng của người tiêu dùng, trong đó có quyền được bảo đảm an toàn, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa dịch vụ của nhà cung cấp; quyền được cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về sản phẩm. Nhưng quan trọng nhất là quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, khối lượng như công bố hoặc quảng cáo. Nếu không thỏa mãn, người tiêu dùng có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền của mình.

Quay lại vụ việc nước ngọt có ruồi có thể thấy quyền lợi của người tiêu dùng đã bị vi phạm, đó là quyền được bảo đảm an toàn và sức khỏe khi nước ngọt không đảm bảo vệ sinh. Để giải quyết trường hợp này, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại vì sản phẩm không đúng tiêu chuẩn, chất lượng vì trong nước ngọt có ruồi – một thành phần không có trong nhãn mác cũng như quảng cáo của công ty Tân Hiệp Phát. Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể trực tiếp với cơ quan cung cấp sản phẩm, hoặc khiếu nại qua một Tổ chức xã hội như Hội bảo vệ quyền người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước như Sở công thương, hoặc khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam chưa có đủ điều kiện để bảo vệ quyền lợi của mình cho dù đã có khung pháp lý là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thứ nhất, các cơ chế để người tiêu dùng đòi bồi thường thiệt hại, khiếu nại, hoặc kiện ra tòa chưa được biết đến nhiều. Kênh thuận tiện nhất người tiêu dùng trên thế giới hay sử dụng là thông qua Hội bảo vệ quyền người tiêu dùng để khiếu nại. Ở Việt Nam, chỉ có Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) hoạt động trong lĩnh vực này. Năng lực về tài chính, chuyên môn và con người của Hội hạn chế so với nhu cầu đa dạng và phong phú của xã hội. Thứ hai, việc người tiêu dùng khiếu kiện ra tòa hầu như chưa có vì thủ tục phức tạp, tốn kém tiền bạc, thời gian, và đặc biệt sự tin tưởng vào thủ tục xét xử khi người khởi kiện thường là cá nhân, còn bên bị kiện là công ty có tiềm năng tài chính. Thứ ba, sử dụng các cơ chế sẵn có để bảo vệ quyền của mình chưa trở thành thói quen của người dân. Tâm lý “bỏ qua” rất phổ biến cho dù có thiệt hại về tài chính, sức khỏe hoặc tâm lý. Điều này một phần cũng do các thiệt hại thường nhỏ hơn so với chi phí phải bỏ ra nếu tự đi khiếu nại hoặc khởi kiện.

Để khắc phục điều này, người tiêu dùng Việt Nam cần tập trung vào hai giải pháp, một là khiếu kiện tập thể, hai là thành lập các Hội bảo vệ quyền người tiêu dùng độc lập để đại diện cho mình.

Khởi kiện tập thể là các vụ kiện cho phép liên kết các lợi ích nhỏ lẻ của những người tiêu dùng có quyền lợi bị thiệt hại để hình thành một lợi ích lớn hơn, tương xứng với các chi phí mà việc kiện tụng có thể tạo ra. Trong các vụ kiện tập thể, các thủ tục pháp lý sẽ chỉ do một nhóm nguyên đơn hoặc luật sư đại diện tiến hành. Đây chính là điều kiện để khắc phục tâm lý ngại đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để theo đuổi vụ kiện. Khi khởi kiện tập thể thành công, nhiều người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng quan trọng hơn, những vụ kiện tập thể sẽ gây tiếng vang, tạo tiền lệ bắt buộc các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ tuân thủ pháp luật tốt hơn. Khi đó, chi phí quản lý thị trường của nhà nước, cũng như thiệt hại vật chất của xã hội sẽ giảm, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế.

Luật Việt Nam cho phép người tiêu dùng khởi kiện tập thể bằng cách liên kết với nhau hoặc thông qua Tổ chức xã hội. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam cho thấy, cơ chế pháp lý là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Quan trọng là cơ chế tài chính cho các vụ kiện tập thể chưa thuận lợi, đặc biệt là việc tạm ứng chi phí cho vụ kiện và bên phải chịu chi phí nếu người tiêu dùng thua kiện. Chính vì vậy, Việt nam nên bổ sung hình thức bảo hiểm pháp lý và bên thứ ba chi trả chi phí tố tụng, ví dụ thành lập một Quỹ riêng có nguồn thu từ các vụ phạt các công ty vi phạm chất lượng sản phẩm hoặc chi thẳng từ ngân sách nhà nước, chuyên phục vụ cho các vụ kiện tập thể. Có như vậy, người tiêu dùng mới yên tâm khởi kiện tập thể để bảo vệ quyền của mình, hoặc các tổ chức xã hội dân sự khởi kiện vì mục đích công.

Thành lập Hội bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là cần thiết và phổ biến trên thế giới. Đây cũng chính là một trong tám quyền quan trọng nhất của người tiêu dùng, theo hướng dẫn quốc tế - quyền tự do hiệp hội để lên tiếng, bảo vệ quyền lợi của mình. Không có Hiệp hội hàng triệu người tiêu dùng vẫn chỉ là các cá nhân đơn lẻ, yếu thế trong quan hệ với các nhà sản xuất. Họ rất khó bảo vệ quyền lợi của mình thông qua khởi kiện tập thể, khởi kiện vì lợi ích công cộng. Điều này sẽ làm giảm trách nhiệm của các nhà sản xuất, tăng chi phí quản lý của nhà nước vì phải tăng cường giám sát và quản lý thị trường. Nhưng quan trọng hơn, tăng tổn hại xã hội vì hàng hóa kém chất lượng, độc hại, và chi phí giải quyết hậu quả về sức khỏe, xã hội.

Hơn nữa, thành lập các hiệp hội giúp người tiêu dùng được tuyên truyền, cung cấp thông tin và kiến thức đúng, giúp họ trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội. Hội người tiêu dùng cũng đại diện cho người dân tham gia vào xây dựng chính sách, pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tốt nhất trong quá trình phát triển đất nước.

Như vậy, vụ việc nước ngọt có ruồi và người tiêu dùng Võ Văn Minh có nguy cơ rơi vào vòng lao lý nói lên rất nhiều điều khiến cho chúng ta cần suy nghĩ. Giá như người tiêu dùng Võ Văn Minh không đơn độc trong quan hệ với công ty giàu về tài chính, mạnh về quyền lực như Tân Hiệp Phát; Giá như nếu người tiêu dùng Võ Văn Minh là thành viên của Hiệp hội người tiêu dùng; Giá như người tiêu dùng Võ Văn Minh biết hơn về quyền của mình và các cơ chế đòi bồi thường, khiếu nại và khởi kiện thuận lợi… Để không phải mãi “giá như”, chúng ta cần phải hành động để thành lập các hội người tiêu dùng độc lập, vận động nhà nước thay đổi cơ chế tài chính cho việc khiếu kiện tập thể và khởi kiện vì mục đích công cộng. Có như vậy, người tiêu dùng mới không đơn độc và dễ bị “bắt nạt” như bây giờ.

Bình Lê
Theo Diễn Ngôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Pages

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *