Chuyến Âu du của Thủ tướng Phúc, thương mại, nhân quyền và Trịnh Xuân Thanh - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

Chuyến Âu du của Thủ tướng Phúc, thương mại, nhân quyền và Trịnh Xuân Thanh


Các nhà lãnh đạo Việt Nam liên tục đến châu Âu thúc đẩy hiệp định thương mại tự do. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Đức Markel, tại Berlin, 7/2017.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Trước chuyến Âu du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trang web của Đài tiếng nói Việt Nam có nói rõ rằng chuyến đi của ông tới hai quốc gia Romania và Czech có mục đích thúc đẩy việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (EVFTA), nhưng tại sao lại là hai quốc gia này, trong đó có Romania, một nước không mấy quan trọng ở châu Âu về kinh tế?

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ Thời báo bằng tiếng Việt tại Berlin, Đức, phân tích với đài RFA:

“Cái lý do theo tôi là Romania đang là chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu từ 1/1/2019 đến 30/6/2019, cứ sáu tháng các nước luân phiên nhau. Như vậy qua chuyến đi này ông Phúc hy vọng và nói rõ trong cuộc hội đàm là Romania ủng hộ Việt Nam ký hiệp định EVFTA và hiệp định bảo hộ đầu tư.”

Người ta có thể thấy rõ hơn mục đích thúc đẩy EVFTA, khi biết rằng chuyến đi của Thủ tướng Phúc đến Bucharest là một chuyến đi sau 42 năm, lần cuối một vị Thủ tướng Việt Nam thăm nước này là vào năm 1977.

Mục tiêu của ông Thủ tướng Việt Nam tại Romania có lẽ đã đạt được ít nhất là trong việc thuyết phục nước chủ nhà, khi mà trong cuộc hội đàm sáng ngày 15/4, bà Thủ tướng Romania, Viorica Dancila tuyên bố sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy EVFTA.

Cái lý do theo tôi là Romania đang là chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu từ 1/1/2019 đến 30/6/2019.

-Ông Lê Trung Khoa.
Nhưng có thể là nhiệm vụ của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ khó khăn hơn khi ông đến Cộng hòa Czech, vì tại đây một người Việt tên là Nguyễn Hải Long đã tham gia giúp đỡ mật vụ Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vào tháng 7/2017.

Ông Lê Trung Khoa cho biết nhận xét của ông về thời gian ông Phúc ở thủ đô Praha của Cộng hòa Czech.

“Tôi nghĩ rằng ông Phúc còn phải làm nhiều việc. Cộng hòa Czech là nơi có tiếng nói rất đanh thép yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền, tôn trọng pháp luật.”

Một năm sau khi vụ Trịnh Xuân Thanh xảy ra, khi tòa án Đức có được lời thú nhận của ông Nguyễn Hải Long đã giúp đỡ mật vụ Việt Nam từ Cộng hòa Czech bằng cách thuê xe ở đây cho nhóm mật vụ, Praha đã ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho các công dân, doanh nghiệp Việt Nam sinh sống và làm ăn tại nước này.

Cộng đồng người Việt tại Czech là những người Việt học hành và xuất khẩu lao động thời chế độ cộng sản còn ngư trị tại quốc gia Đông Âu này. Đây cũng là một cộng đồng quan trong trong việc làm ăn buôn bán với Việt Nam.

Ông Lê Trung Khoa cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ cố gắng thuyết phục Praha bỏ lệnh cấm cấp thị thực nói trên, song song với việc thúc đẩy nước này ủng hộ EVFTA.

Đó là những rắc rối liên quan đến cáo buộc Việt Nam hành xử phi pháp xâm phạm chủ quyền các quốc gia châu Âu. Ngoài ra chuyện nhân quyền của Việt Nam cũng được các tổ chức nhân quyền tại đây quan tâm. Ngay ngày 16/4 khi ông Phúc đặt chân đến Praha, các tổ chức này đã gửi thư lên chính phủ yêu cầu gây sức ép với Hà Nội về vấn đề nhân quyền như là điều kiện để ủng hộ Việt Nam ký EVFTA.

Theo ông Lê Trung Khoa, cũng như nhiều nhà quan sát trong và ngòai nước khác, từ hơn hai năm nay, EVFTA là một vấn đề quan tâm hàng đầu của chính phủ Việt Nam, để mở rộng thị trường sang châu Âu, dự phòng những rủi ro tại thị trường Trung Quốc, cũng như thị trường Mỹ, nơi mà chính phủ Việt Nam đang lo lắng chính sách bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Donald Trump sẽ làm Hà Nội gặp khó khăn trên thị trường này.

Vì lý do đó, trong năm 2018 hàng loạt quan chức Việt Nam đã công du sang châu Âu, kể cả cấp cao nhất là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ngay trước chuyến đi của ông Phúc, một nổ lực ngoại giao song song cũng được Việt Nam thực hiện khi bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi đến một số nước châu Âu, trong đó có nước Pháp.

Trong việc gắn nhân quyền vào việc ký kết EVFTA có hai luồng ý kiến khác nhau. Những tổ chức, cá nhân hoạt động nhân quyền rất mong muốn gắn hai điều này lại với nhau.

Một số khác cho rằng nên thúc đẩy thương mại, điều đó sẽ làm cho tình hình tốt hơn, đặc biệt là quan ngại cho rằng nếu Việt Nam không ký được những hiệp định thương mại với phương Tây thì sẽ đẩy Việt Nam về phía Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng có sức mạnh kinh tế và quân sự trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Lo ngại này ngày càng tăng sau khi liên tiếp có những tin tức nói rằng Trung Quốc đã sử dụng những bẫy nợ, tức là cho vay với điều kiện dễ dàng không theo những tiêu chuẩn phương Tây, không kèm điều kiện nhân quyền, điều này dẫn đến phá sản, các quốc gia con nợ phải cầm cố tài sản quốc gia cho Trung Quốc. Chuyện như vậy đã xảy ra với Sri Lanka trong năm 2018, đã phải giao cho Bắc Kinh cảng nước sâu của mình để trừ nợ.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nói với RFA:

“Tôi nghĩ cái cách tích cực nhất vẫn là nên có hiệp định đó, rồi trong quá trình thực hiện sẽ cùng nhau thúc đẩy để Việt Nam thực hiện các cam kết của mình. Đó là cách tích cực hơn là trì hoãn kéo dài quá lâu. Kéo dài như vậy không có lợi cho ai cả, mà chỉ làm cho bên ngoài, những nước không muốn Việt Nam có quan hệ thân thiện với phương Tây người ta sẽ vui.”

Những người có chủ trương này được sự ủng hộ của các tập đoàn kinh tế lớn của Châu Âu, mong muốn tiếp cận được với một thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Người ta cũng có nói đến việc Việt Nam có thể sẽ nhượng bộ một số điều liên quan đến nhân quyền, sau khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ xem xét những vấn đề về quyền lao động sau chuyến đi châu Âu của bà.

Kéo dài (EVFTA) như vậy không có lợi cho ai cả, mà chỉ làm cho bên ngoài, những nước không muốn Việt Nam có quan hệ thân thiện với phương Tây người ta sẽ vui.

-Bà Phạm Chi Lan.
Nhưng trả lời RFA vào chiều ngày 16/4/2019 về lá đơn của hơn 20 tổ chức nhân quyền gửi Cộng đồng châu Âu yêu cầu trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một nhà hoạt động nhân quyền đang thọ án tù 11 năm, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng không dễ dàng để gây sức ép lên Việt Nam, vì vụ bê bối Trịnh Xuân Thanh đã trôi qua.

Ông Nguyễn Văn Đài là một nhà hoạt động chính trị xã hội từng bị bỏ tù tại Việt Nam và hiện đang tị nạn chính trị tại Đức.

Một số nhà ngoại giao Việt Nam nói với RFA rằng vụ Trịnh Xuân Thanh và nước Đức đã được giải quyết ổn thỏa.

Nhưng mặt khác, một số nhà quan sát như ông Lê Trung Khoa cho rằng chưa chắc là ổn thõa vì các quốc gia châu Âu hiện nay đều có chế độ tam quyền phân lập, có thể chính quyền, tức là cơ quan hành pháp sẽ nhân nhượng Việt Nam vì mục tiêu kinh tế, nhưng ngành tư pháp vẫn sẽ tiếp tục đeo đuổi những hành động phi pháp của Việt Nam trên đất châu Âu, cũng như ngành lập pháp sẽ vẫn gây sức ép lên việc ký EVFTA với Việt Nam.

Một số người tại châu Âu cũng như Việt Nam hy vọng hiệp định thương mại tự do giữa hai bên sẽ được ký vào tháng 5 tới đây. Nhưng như ông Lê Trung Khoa nhận xét, có lẽ Thủ tướng Phúc và chính phủ của ông còn phải có rất nhiều nổ lực.


Kính Hòa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad