Càng “kéo dài” dân càng khổ
Đáng chú ý trong báo cáo, theo kế hoạch, thời gian tới tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đầu tư kéo dài thêm 20km, điểm cuối tuyến kéo dài là depot thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện hữu có chiều dài khoảng 14km, đi trên cao với tổng số 12 ga và 1 depot tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Tuyến đường sắt đội vốn ngàn tỉ này được các chuyên gia đánh giá là không hiệu quả về kinh tế vì đầu tư lớn, nhưng tốc độ tàu chậm, mật độ kết nối thấp. Sau nhiều lần hứa hẹn từ phía nhà thầu Trung Quốc, đến nay vẫn chưa biết khi nào sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện Tài chính Kinh tế Việt Nam, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/10/2019, nhận định:
“Việc đầu tư đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì cũng đã đầu tư rồi, tất nhiên sớm hay muộn thôi, sẽ phải đưa vào sử dụng. Thật ra tuyến Cát Linh - Hà Đông quá ngắn chỉ 13-14km thôi, do đó tác động kết nối và lan tỏa không lớn. Và nếu như tính toán từ những bài học kinh nghiệm vừa qua, để kéo dài hay mở rộng mạng lưới để kết nối với các vùng nông thôn ở ngoại ô với trung tâm, thì từ đó có thể tạo ra được đòn bẩy, để cho dự án này có hiệu quả kinh tế thay đổi đi.”
Đứng ở góc nhìn của một kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường, ông Trần Bang tuy đồng ý mặt quy hoạch tổng thể nên kéo dài tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tuy nhiên ông cho rằng nếu không cẩn thận dân lại càng khổ thêm:
“Về nguyên tắc quy hoạch thì cái đó cũng bình thường thôi, vì thành phố Hà Nội kéo dài về phía Xuân Mai như vậy mới hiệu quả, Cát Linh – Hà Đông kéo dài đến Xuân Mai thì sẽ giảm lưu lượng cho các phương tiện khác thì theo tôi tốt về mặc tổng thể. Chứ còn cụ thể dự án này, thì Cát Linh – Hà Đông đã là một sự ô nhục, mà họ trên sự ô nhục để kéo dài thì có khi ô nhục lại tăng lên. Cái đó nếu tận dụng đường ray mà đổi được thiết bị cho phù hợp, hay loại tàu hiện đại để tốc độ tăng lên, rồi điều hành giảm người đi thì tốt, chứ dựa trên tồi tệ để phát triển thì dân khổ sẽ khổ gấp đôi.”
Bất hợp lý ngay từ đầu
|
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm. Đến năm 2019, đã đội vốn thành 886 triệu USD.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, hôm 22/10 nhận định với RFA liên quan quy hoạch kéo dài tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông thêm 20km:
“Việc nối dài đường sắt Cát Linh – Hà Đông thêm 20km, tuy chỉ mới là đề xuất, nhưng theo tôi là bất hợp lý. Vì bản thân nhà thầu làm đã bê trễ, đội vốn, chất lượng và hiệu quả chưa đánh giá mà bây giờ lại tiếp tục là không được. Đề nghị ấy là không nên. Nhưng tôi tin quốc hội sẽ không thông qua đâu. Bản thân cung đường ấy còn chưa hoàn thành được, còn kéo dài, thất thoát, kém hiệu quả…”
Theo dự đoán của Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, Quốc hội sẽ không chấp thuận đề xuất kéo dài thêm đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, vì ở đó đã có Đại lộ Thăng Long và một số đường khác nữa, bây giờ có thêm đường sắt là vô lý.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông là một dự án được kỳ vọng thế nhưng sau 11 năm được phê duyệt, 8 năm thi công và sau 10 lần lùi tiến độ, đến giờ dự án vẫn ì ạch. Với nhiều lần “thất hứa” về thời gian vận hành như vậy, liệu có nên đổ thêm vốn để kéo dài thêm 20km?
Trước đây, sau nhiều lần trì hoãn không thể đưa vào vận hành, cũng có ý kiến cho rằng liệu Chính phủ Việt Nam có nên thực hiện bài toán đánh đổi – nghĩa là bỏ thêm vốn của bên thứ ba nếu cần, nhằm giúp dự án đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông sớm hoàn thành – lấy lại lòng tin của người dân?
Tuy nhiên khi đó, các chuyên gia kinh tế không ủng hộ phương án này, bởi vì đây là hợp đồng giữa phía chủ đầu tư là phía Việt Nam và phía Trung Quốc, hai bên cần có giải pháp để giải quyết với nhau, chứ không nên đề xuất thêm bên thứ ba trong khi việc thực hiện và hợp đồng đang có nhiều vấn đề, thêm bên thứ ba vào nữa thì e ngại sẽ càng rắc rối hơn.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm ý kiến của mình:
“Thật sự mà nói tôi cũng không thể hiểu nổi. Tôi từng làm nghề cấp vốn cho hoạt động xây dựng nhiều năm, khi đó nhà nước là người cấp vốn cho các dự án trong nền kinh tế quốc dân, những dự án đường sắt, đường bộ… cũng như sân bay, bến cảng… thì kể cả những cái không đầy đủ giấy tờ, căn cứ… nhưng đều có thể dựa trên cái đó đến kiểm nghiệm thực tế, bằng các hành động thực tại để kiểm nghiệm chất lượng của các dự án, công trình. Thì đường sắt trên cao chắc cũng không đến mức khó khăn như thế. Ở đây tôi cho rằng có cái gì đấy không bình thường ở đằng sau.”
Dự án Tuyến số 2A - Tuyến Cát Linh - Hà Đông nằm trong dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, hay Hanoi Metro, là tên gọi hệ thống đường sắt đô thị của Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Hệ thống được vận hành bởi Công ty Đường sắt Hà Nội, bao gồm 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318 km, và 3 tuyến tàu điện một ray. Đây là hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được đặt nhiều kỳ vọng thay đổi bộ mặt thủ đô nhưng như những gì đã và đang diễn ra thì dự án này đang đối diện với nhiều ách tắc, bê trễ khó kiểm soát...
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét