Từ lâu, Trung Quốc đã đưa Úc vào "tầm ngắm" và tiền là vũ khí ưa thích của họ. Tuy nhiên, ít quốc gia nào có can đảm chống lại Trung Quốc nhanh chóng như Úc, điều này đã khiến nhiều thập kỷ xây dựng ảnh hưởng của Bắc Kinh trở nên vô ích...
Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba thu nhập xuất khẩu của Úc. Cho đến gần đây, Bắc Kinh vẫn là nhà đầu tư lớn ở Úc
Sinh viên quốc tế Trung Quốc chiếm 10% tổng số sinh viên trường đại học ở Úc, và Bắc Kinh đã tài trợ cho các Viện Khổng Tử tại 13 trong số 37 trường đại học công lập của Úc.
Úc đã ‘thay đổi tâm trạng’
Các nhà tài trợ liên kết với Trung Quốc đã tài trợ cho một số tổ chức tư vấn của Úc, nhằm thúc đẩy các chính sách thân thiện với Trung Quốc. Gần như mọi tổ chức công lớn ở Úc đều có “chiến lược Trung Quốc”.
Sự hiện diện của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn ở nước láng giềng của Úc, New Zealand. Nếu có một khu vực nào đó của thế giới phương Tây mà Trung Quốc có thể đưa ra tuyên bố về tương lai, thì đó là vùng đất đối cực này.
Tuy nhiên, tỷ lệ người Úc có quan điểm thân thiện về Trung Quốc đã giảm mạnh từ 64% xuống chỉ còn 15% trong ba năm qua, theo một cuộc thăm dò của Pew Global Attitude được công bố vào tuần trước.
Tỷ lệ người Úc có thái độ “phản cảm” với Trung Quốc đã tăng lên 81%, chỉ có 3% chưa quyết định. Tâm trạng thay đổi của Úc đối với Trung Quốc là một phần của sự thay đổi toàn cầu, nhưng đó là "sự đảo ngược hoàn toàn" nhất trong số 12 quốc gia mà Pew thường xuyên khảo sát, và điều này bắt đầu trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát.
Mặc dù có một nhận thức phổ biến và lâu đời ở Úc rằng tương lai kinh tế của nước này phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng hóa ra - ít nhất là khi nói đến vấn đề ngoại giao - thì “tiền không thể mua được tình yêu”.
Trung Quốc đã chi tiền, và các chính trị gia Úc đã từng ‘xiêu lòng’
Trung Quốc chắc chắn đã chi tiền. Cuốn sách “Cuộc xâm lăng thầm lặng” Silent Invasion năm 2018 của giáo sư đạo đức người Úc Clive Hamilton, đã vạch ra nhiều cách mà tiền bạc liên kết giữa Úc và Trung Quốc; từ các khoản quyên góp lớn cho các đảng phái chính trị; đến việc tiếp quản các phương tiện truyền thông địa phương bằng tiếng Trung; cho đến những quà tặng xa xỉ cho các nhà báo và các chính trị gia đến thăm Trung Quốc...
Doanh nhân ”gây tranh cãi” sinh ra tại Trung Quốc (và là công dân Úc) Chau Chak Wing đã trao hàng chục triệu USD cho các trường đại học ở Úc, và đã quyên góp hàng loạt cho các mục đích yêu nước của Úc như cho tổ chức từ thiện của các cựu chiến binh và Đài tưởng niệm Chiến tranh Úc.
Là người thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Chau đã đấu tranh, và đã thắng - nhiều lần - trong các vụ kiện chống lại truyền thông Úc, vốn cáo buộc ông hối lộ và làm gián điệp cho Trung Quốc.
Trên quy mô lớn hơn nữa, từ năm 2016 đến 2018, ít nhất 8 công ty nhà nước và liên kết với nhà nước Trung Quốc đã rót vốn đầu tư vào bang Victoria của Úc, sau đó chính quyền bang này đã chính thức ký kết vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, bất chấp cảnh báo của chính phủ quốc gia về điều này.
Thống đốc bang Victoria, Daniel Andrews, đã tham dự các diễn đàn BRI hàng đầu của Trung Quốc ở Bắc Kinh trong cả năm 2017 và 2019, là một trong số ít các nhà lãnh đạo dưới cấp chính quyền trung ương được mời. Chính phủ Úc đã không tham gia.
Có lẽ tình cờ - và có lẽ không - khi Trung Quốc áp đặt thuế quan và hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Úc vào đầu năm nay, trong khi các sản phẩm từ bang Victoria hầu như không bị ảnh hưởng .
Cho dù họ có bị ảnh hưởng bởi những lời dụ dỗ của Trung Quốc hay không, vào năm 2018, nhiều thành viên hàng đầu trong tầng lớp chính trị của Úc đã chú ý đến lời kêu gọi của Trung Quốc, rằng Úc nên theo đuổi chính sách đối ngoại “độc lập”, nghĩa là cắt đứt quan hệ đồng minh lịch sử với Mỹ.
Các cựu Thủ tướng Paul Keating (đương nhiệm 1991-1996) và quá cố Malcolm Fraser (1975-1983) thực sự khuyến nghị Úc rút khỏi liên minh Hoa Kỳ, trong khi cố thủ tướng Bob Hawke (1983-1991) đã có một sự nghiệp “sinh lợi” thứ hai nhờ vận động hành lang cho Bắc Kinh.
Một thượng nghị sĩ cấp cao và cựu bộ trưởng chính phủ thậm chí còn chỉ trích một tổ chức tư vấn do chính phủ tài trợ, Viện Chính sách Chiến lược Úc, vì đã chấp nhận tài trợ nghiên cứu từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Các quan điểm ủng hộ Trung Quốc, chống Mỹ đã trở nên đáng nể ở Úc.
‘Bán linh hồn để lấy một đống đậu nành, hoặc là bảo vệ người dân’
Trong khi đó, công chúng Úc tiếp tục ủng hộ sự liên kết của nước này với Hoa Kỳ, và bày tỏ sự hoài nghi về các mối liên hệ đang phát triển của Úc với Trung Quốc. Từ năm 2008 đến năm 2020, sự ủng hộ của công chúng dành cho liên minh Hoa Kỳ chưa bao giờ giảm xuống dưới 70%, theo Cuộc thăm dò của Viện Lowy Úc .
Đa số những người được hỏi đều tin rằng chính phủ Úc đang cho phép đầu tư quá nhiều từ Trung Quốc. Và đa số người Úc vẫn tiếp tục tin tưởng Hoa Kỳ sẽ “hành động có trách nhiệm với thế giới”, so với chỉ 23% những người nói điều tương tự về Trung Quốc.
Như Tổng thống Abraham Lincoln đã từng nói: "Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người một vài lần, hoặc đánh lừa một số người trong mọi lúc, nhưng bạn không thể đánh lừa tất cả mọi người vào mọi lúc được".
Nếu cuốn “Cuộc xâm lược thầm lặng” của Hamilton khiến mọi người bàn tán về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Úc vào năm 2018, thì một bước ngoặt thực sự đã đến vào năm 2019 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo người Úc: “Bạn có thể bán linh hồn của mình để lấy một đống đậu nành, hoặc bạn có thể bảo vệ người dân của mình”.
Tất nhiên, Úc không thực sự mua bán đậu nành, nhưng quan điểm của ông Pompeo đã gây được tiếng vang lớn đối với công chúng Úc, vốn đã cảnh giác về ảnh hưởng của Trung Quốc đang làm suy yếu các thể chế của nước họ.
‘Gió đã đổi chiều’
Sau đó là đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Cũng như ở nhiều nước khác, thông tin sai lệch ban đầu của Trung Quốc về mầm bệnh đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của nước này ở Úc.
Dựa vào lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giám đốc y tế của Úc thậm chí còn bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus ra toàn cầu, trong khi một chính trị gia hàng đầu của bang Victoria ca ngợi phản ứng ngăn chặn đại dịch của Trung Quốc.
Đại dịch đã là một thảm họa cho thế giới, nhưng nó chưa phải là một thảm họa cho các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Úc Scott Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne về một cuộc điều tra quốc tế liên quan đến việc xử lý virus Corona Vũ Hán trên thế giới, Trung Quốc đã quay lại đả kích.
Có lẽ chúng ta không nên bận tâm rằng cuộc điều tra sẽ được thực hiện bởi WHO, khi tổ chức này đã bị Trung Quốc thống trị.
Đại sứ quán của Trung Quốc tại Úc phàn nàn rằng “các chính trị gia Úc muốn làm những gì mà người Mỹ khẳng định và đơn giản là theo họ trong việc dàn dựng các cuộc tấn công chính trị vào Trung Quốc”. >
Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đã đi xa hơn nhiều, nói rằng Úc đã “rất vô trách nhiệm khi đề cập đến những nghi ngờ và cáo buộc có động cơ chính trị”; và khuyên Úc “nên gạt sang một bên tư tưởng thiên vị và các trò chơi chính trị”.
Như Phó trưởng phái bộ của Trung Quốc tại Canberra ”giải thích”, việc Úc kêu gọi điều tra “làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc… đột nhiên, họ nghe được tin sốc này về một đề xuất đến từ Úc, một nước được cho là người bạn tốt của Trung Quốc".
Các nhà ngoại giao của Trung Quốc dường như không quan tâm về những ảnh hưởng của chính họ có thể gây ra đối với cảm xúc của người dân Úc. Với bản chất ngoại giao chiến lang, chính quyền Trung Quốc không sớm thì muộn cũng lộ ra "bộ mặt thật", và sự đổ vỡ trong mối quan hệ Úc-Trung là điều khó tránh khỏi.
‘Con lắc đã chuyển động’ - Tiền nhiều không còn có thể mua được ‘trái tim'
Bắc Kinh đã nhanh chóng phá vỡ ba thập kỷ xây dựng ảnh hưởng một cách kiên nhẫn. Trong những tháng gần đây, Úc đã tuyên bố thắt chặt nghiêm ngặt các thủ tục của Ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài nhằm gây khó khăn hơn cho các công ty liên kết với Trung Quốc trong việc mua lại các tài sản chiến lược của Úc.
Đồng thời, Úc đề xuất Dự luật Quan hệ Đối ngoại mới để chính phủ quốc gia có quyền phủ quyết đối với các thỏa thuận của bang và địa phương với các tổ chức nước ngoài, song song đó là thực hiện các bước để mở cuộc điều tra của Ủy ban hỗn hợp Quốc hội về Tình báo và An ninh về sự can thiệp của nước ngoài vào các trường đại học của Úc.
Tất cả những nỗ lực này đều có sự ủng hộ rộng rãi, và tất cả đều hướng đến Trung Quốc. Con lắc đã chuyển động...
Câu chuyện tương tự xảy ra ở gần như tất cả các nền dân chủ trên thế giới. Chiến lược thu phục giới tinh hoa toàn cầu của Trung Quốc đã thất bại. Trung Quốc đã mô tả những nỗ lực của Úc nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài trong lĩnh vực chính trị của họ là “những hành vi phi lý trắng trợn”.
Giờ đây, khi Trung Quốc đã “ra vẻ” như mình là một quốc gia dân chủ quốc tế, các chính trị gia ở các nước dân chủ sẽ rất miễn cưỡng phải chụp ảnh, bắt tay ở Bắc Kinh.
Việc Úc đối mặt với Trung Quốc tái khẳng định các cam kết của nước này đối với các giá trị tự do và hệ thống liên minh phương Tây, song song với những thay đổi tương tự ở các nước khác.
Tại New Zealand, Thủ tướng đương nhiệm Jacinda Ardern đã tham gia vào cuộc chỉ trích quốc tế về thành tích nhân quyền của Trung Quốc ở Hong Kong và Tân Cương.
Ở châu Âu cũng vậy, đã có một phản ứng phổ biến mạnh mẽ chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Các nền dân chủ có thể chậm chạp trong việc bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa từ nước ngoài, nhưng cuối cùng họ cũng phải "tỉnh giấc".
Đã đến lúc “chủ nghĩa thực dụng” - vốn đã vỗ béo rất nhiều “tín đồ” phương Tây của Trung Quốc - sẽ phải dừng lại...
Tác giả: Salvatore Babone là một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney và là phó giáo sư tại Đại học Sydney.
© Trần Đức
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét