Số ca nhiễm coronavirus mới ở Canada đang tiếp tục giảm mạnh, hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới. Các chuyên gia hàng đầu đang cố gắng hiểu rõ hơn lý do tại sao các ca nhiễm COVID-19 lại giảm mạnh như vậy.
Các nhà quan sát đưa ra các lý do gồm: các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ hơn, mọi người đang tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy tắc do lo sợ về các biến thể lây lan nhanh hơn và tính chất theo mùa tự nhiên của coronavirus. Ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng và lây nhiễm tương đối cao, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Anh, khả năng miễn dịch cũng có thể bắt đầu làm chậm sự lây lan.
Trong sáu tuần qua, số ca nhiễm coronavirus mới được báo cáo trên toàn cầu đã giảm gần một nửa, từ khoảng 5 triệu ca vào tuần đầu tiên của tháng Giêng xuống còn khoảng 2,7 triệu ca vào tuần trước, theo Theglobeandmail.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn thế giới, tổng số ca lây nhiễm hàng ngày là thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Canada cũng đang theo xu hướng đó. Cả nước đã chứng kiến số ca nhiễm mới giảm từ 57.519 trong tuần bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 xuống còn 20.776 trong tuần qua - giảm 64%.
Mike Ryan, người đứng đầu chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai: “Chúng ta cần hiểu điều gì đang gây nên hiện tượng này. Đó có phải là do tính chất theo mùa tự nhiên và mô hình giống như làn sóng của dịch bệnh không? Chúng ta có đang xây dựng thành công mức độ miễn dịch cộng đồng và đang ngăn ngừa dịch bệnh tìm đến các trường hợp tiếp theo không? Và có phải các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã có tác động làm giảm các ca bệnh không? Tôi nghĩ rằng tất cả những điều trên, ở một mức độ nào đó, đều đúng”.
Khi các nhà khoa học tìm cách giải mã xu hướng giảm tổng thể các trường hợp lây nhiễm bệnh, trong bối cảnh sự gia tăng các ca lây nhiễm cục bộ do các biến thể dễ lây lan hơn của SARS-CoV-2 có nguy cơ mở ra đợt đại dịch thứ ba.
Gerald Evans, chủ nhiệm bộ môn các bệnh truyền nhiễm tại trường y tại Đại học Queen, cho biết: “Vấn đề ở đây là khi chúng ta thấy sự sụt giảm các trường hợp lây nhiễm như vậy, chúng ta bắt đầu chủ quan và nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Điều đó khiến chúng ta sẽ gặp rủi ro".
Có thể giải thích cho sự sụt giảm số ca bệnh bằng cách so sánh đường cong ca bệnh của các quốc gia có tổ chức lễ Giáng sinh. Đặt các biểu đồ chồng lên nhau và đỉnh mùa đông sẽ tập trung vào khoảng ngày 10 và 11 tháng 1, hai tuần sau khi gia đình và bạn bè tụ tập cho lễ Giáng sinh, bất kể quy tắc giãn cách xã hội ở các quốc gia đó.
Đỉnh của các biểu đồ rất khác nhau giữa các nơi, nhưng Canada, Hoa Kỳ, Anh, Ireland, Nam Phi, Brazil, Nga và hầu hết châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, tiếp sau đó là số ca bệnh giảm. Trong khi đó, mức tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ không quá nổi bật ở các quốc gia lớn ở Châu Âu, bao gồm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức, nơi mà các ca lây nhiễm bệnh đã đạt mức cao nhất vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 và người dân đã thực sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội.
Ở những quốc gia mà mức tăng đột biến trong dịp Giáng sinh và sau kỳ nghỉ lễ, các chính phủ đã áp dụng các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt dẫn đến số ca bệnh cũng giảm mạnh. Điều đó đặc biệt đúng với Anh, Ireland và Nam Phi, ba quốc gia nơi các biến thể mới, lây lan nhanh hơn của SARS-CoV-2, loại virus gây ra COVID-19, đã thay thế phiên bản trước đó của virus.
“Họ đã có những cuộc phong tỏa rất lớn, nghiêm ngặt. Tôi nghĩ rằng mọi người đã khiếp sợ những biến thể mới này”, Ian Michelow, bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa và giáo sư tại Đại học Brown, người gốc Nam Phi, cho biết. “Đó thực sự là một điều khá đáng lo ngại đối với mọi người, và quả đúng là như vậy. Không có nghi ngờ gì về điều đó cả. Đây là những virus nguy hiểm hơn [bởi vì] chúng lây lan dễ dàng hơn”.
Một nguyên nhân khác có thể là đặc tính theo mùa tự nhiên của SARS-CoV-2, Matthew Binnicker, giám đốc virus học lâm sàng tại Mayo Clinic ở Minnesota, cho biết. Những loại Coronavirus theo mùa này, thường gây ra cảm lạnh nhẹ, có xu hướng đạt đỉnh điểm vào mùa đông và đầu mùa xuân, theo dữ liệu 6 năm của Mayo Clinic được công bố vào mùa hè năm ngoái.
Tiến sĩ Binnicker nói: “Chúng tôi biết rằng mùa đông năm nay sẽ vô cùng khó khăn, bởi vì [SARS-CoV-2] là một loại virus đường hô hấp, giống như bệnh cúm, cũng như các loại coronavirus khác. Ở Bắc bán cầu, bệnh cúm thường bùng phát vào tháng 12, đạt đỉnh điểm vào đầu đến giữa tháng 1 và giảm vào giữa tháng 2. Và đó thực sự là những gì chúng ta đang thấy với COVID-19 trong thời gian này”.
Việc giải quyết tất cả các lý do khiến virus đường hô hấp có xu hướng phát triển mạnh vào mùa đông có thể rất khó. SARS-CoV-2 đã được chứng minh là tồn tại lâu hơn ở nhiệt độ lạnh hơn. Không khí khô giữ các hạt virus ở trên cao lâu hơn, khiến chúng dễ bị con người hít vào. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hít thở không khí lạnh, khô ảnh hưởng đến màng nhầy trong lỗ mũi, do đó làm giảm khả năng phòng thủ của chúng đối với virus.
Nhưng Peter Juni, giám đốc khoa học của Ban cố vấn khoa học COVID-19 của Ontario và là giáo sư y học và dịch tễ học tại Đại học Toronto, cho biết lời giải thích dễ hiểu hơn là khi thời tiết chuyển sang lạnh và tối, mọi người thường tập trung trong không gian trong nhà, nơi có sự thông gió kém, và virus dễ lây lan hơn.
Ông cho rằng việc ghi nhận tác động theo mùa đối với sự sụt giảm các ca lây nhiễm COVID-19 là “một giấc mơ viển vông”.
Tiến sĩ Juni cho biết thêm, ý kiến cho rằng khả năng miễn dịch - cho dù thông qua tiêm chủng hay lây nhiễm cộng đồng - cũng có thể đang khiến coronavirus khó tìm thấy nạn nhân của chúng hơn.
Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, "có thể", khả năng miễn dịch cộng đồng đang góp phần vào việc giảm các ca bệnh, đặc biệt là ở các thành phố đã phải hứng chịu những làn sóng dữ dội trước đó, Jennie Lavine, một nhà sinh vật học tại Đại học Emory ở Atlanta, cho biết. “Đó không phải là những gì tôi khẳng định, nhưng nó không phải là không thể tưởng tượng được”.
Tại Hoa Kỳ, số liệu đã báo cáo chỉ hơn 55.000 trường hợp COVID-19 vào thứ Hai ngày 15/2, giảm so với mức cao nhất gần 300.000 trường hợp trong một ngày vào ngày 08 tháng 01.
© Ánh Dương
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét