Chế độ Trung Hoa kiểm soát các quốc gia ASEAN bằng "vòi nước" sông Mekong - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Chế độ Trung Hoa kiểm soát các quốc gia ASEAN bằng "vòi nước" sông Mekong


Kate Jiang and Jennifer Zeng, Chinese Regime Controls ASEAN Countries Via Mekong River’s ‘Water Faucet’. The Epoch Times | March 7, 2021
Quang cảnh sông Mekong giáp ranh giữa Thái Lan và Lào được nhìn từ phía Thái Lan ở Nong Khai, Thái Lan, vào ngày 29 tháng 10 năm 2019. (Soe Zeya Tun / Reuters)


Chế độ Trung Hoa đang sử dụng sông Mekong, hệ thống nước quan trọng nhất ở Đông Nam Á (ĐNA), để kiểm soát ½ của 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN), một chuyên viên nói.


Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa và chảy qua 6 quốc gia. Vào đầu năm 2021, một lần nữa, mực nước đã xuống rất thấp và gây lo ngại quốc tế rộng rãi. Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một cơ quan quốc tế, ra tuyên bố vào ngày 12 tháng 2, nói rằng mực nước sông Mekong đã xuống đến “mức đáng lo ngại.”


Thật vậy, trên 1 thập niên kể từ năm 2010, khủng hoảng nước thường bùng nổ trên sông Mekong.


Một nhà thủy học Trung Hoa nói với The Epoch Times rằng một trong những lý do ở phía sau là Đảng Cộng sản Trung Hoa (Chinese Communist Party (CCP)) đã kiểm soát “vòi nước” của Mekong, và rằng sông Mekong đã trở thành một đòn bẫy chánh trị được CCP sử dụng trong việc kiểm soát ½ các quốc gia thành viên của ASEAN.



Trong buổi phỏng vấn gần đây dành riêng cho The Epoch Times, chuyên viên thủy học Wang Weiluo ở Đức nói rằng, kể từ năm 2012, sông Mekong đã trải qua khủng hoảng nước thường xuyên. Nhưng đối với CCP, sông Mekong không còn là vấn đề sử dụng nguồn nước đơn giản, mà là đòn bẫy chánh trị và ngoại giao.


Với việc kiểm soát “vòi nước” Mekong, CCP đã chiếm ưu thế trong việc kiểm soát ½ quốc gia ASEAN. Thái độ bá quyền của CCP trong lưu vực sông Mekong khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản chú ý, làm cho sông Mekong trở thành một điểm nóng địa chánh trị mới.


   Mời xem thêm »


Theo Wang, việc sử dụng sông Mekong như một đòn bẫy chánh trị gây nguy hại cho cả CCP và các quốc gia khác. Các đập lớn và nhỏ được xây trên sông Lancang, phần thượng lưu của sông Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa, không chỉ tạo đe dọa trực tiếp đến 70 triệu người dựa vào sông Mekong để sinh sống, mà còn đến người dân Trung Hoa trong lưu vực sông Lancang. Việc phát triển nguồn nước lối ăn cướp của Trung Hoa cũng gây phung phí tài nguyên.


Từ phong phú nước đến khủng hoảng nước


Phần thượng lưu của sông Mekong là sông Lancang trong lãnh thổ Trung Hoa. Nó bắt nguồn từ núi Tanggula trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng ở Trung Hoa. Là con sông dài thứ 10th [Lời người dịch: thứ 12th] trên thế giới và thứ 6th ở Á Châu, Mekong chảy qua 6 quốc gia Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.


Phần thượng và hạ lưu của sông được gọi một cách tập thể là sông Lancang-Mekong, với dòng chánh dài trên 4.000 km (2.485 miles) [Lời người dịch: Chiều dài chính xác nhất là 4.900 km]. Nó là con sông dài nhất ở ĐNA và được gọi là “Danube của Á Châu.”


Theo Voice of America (Tiếng nói Hoa Kỳ), khoảng 70 triệu người trực tiếp dựa vào sông Mekong để sinh sống.


“Cả sông Lancang và Mekong đều rất giàu tài nguyên thủy điện,” Wang nói, “Chúng đến trực tiếp từ cao nguyên Tây Tạng đến phía nam, và độ dốc ở phần thượng lưu rất lớn. Ở phần phía nam của hạ lưu vực, do ảnh hưởng của mưa mùa, lượng mưa tương đối lớn trong mùa mưa cũng làm cho sông có nhiều nước hơn. Sông Mekong có mùa mưa và mùa khô khác biệt, với mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.” Tuy nhiên, sông nầy, với nguồn nước phong phú, đã thường gặp khủng hoảng nước kể từ năm 2010.


Theo phúc trình của Eyes on Earth: Theo dõi Lượng Nước Chảy qua Thượng Lưu vực Mekong trong Tình trạng Tự nhiên (Không bị Ngăn chận) (Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under Natural (Unimpeded) Conditions), trong năm 2010, khi cuộc khủng hoảng nước đầu tiên xảy ra trên sông Mekong, trạm thủy điện Xiaowan (Tiểu Loan) trên sông Lancang được hoàn tất và đã sản xuất điện.


Bằng cách ước tính dòng chảy của sông Mekong từ năm 1992 đến 2019, và so sánh với dữ kiện trước và sau khi đập được xây, Eyes on Earth cho thấy rằng việc xây đập ở thượng lưu của CCP đả ảnh hưởng đến lượng nước trong sông Mekong.



Theo phúc trình, “những khác biệt đáng kể giữa lưu lượng đo dạc và tính toán trong năm 2010, khi đập quan trọng Xiaowan hoàn tất và bắt đầu hoạt động.”


Phúc trình cho biết, “Như được lưu ý trước đây, hồ chứa [Xiaowan] nầy có thể chứa 7 lần nhiều hơn số nước của 3 đập trước gộp lại, do đó, khả năng để điều tiết và giới hạn dòng chảy gia tăng theo cấp số khác. Khả năng giới hạn dòng chảy được thể hiện rõ trong sự liên hệ giữa lưu lượng tự nhiên được dự đoán và lưu lượng đo đạc, vì một số lớn nước ‘thiếu’ ở trạm thủy học trong mùa khô, khi dòng chảy của sông thường tăng cao vì tuyết tan và mưa trên cao nguyên Tây Tạng.”


Trò chơi con số để tránh trách nhiệm


Trong năm 2010, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam gởi phái đoàn đến CCP để thảo luận việc mực nước xuống rất thấp trong sông Mekong, lập luận rằng các đập của CCP ở trong sông đã gây hạn hán ở hạ lưu.


Qin Gang, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao CCP vào lúc đó, bác bỏ cáo buộc. Qin Gang nói rằng dòng chảy hàng năm của sông Lancang chỉ chiếm 13,5% dòng chảy của sông Mekong ở cửa biển, và với một tỉ lệ nhỏ như vậy, nó không thể ảnh hưởng tình hình chung.


Cố vấn chánh trị Chen Dehai của CCP cũng nói rằng 3 hồ chứa xây trên sông Lancang, Manwan (Mạn Loan), Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn) và Jinghong (Cảnh Hồng), tất cả rất nhỏ, và ảnh hưởng của chúng không đáng kể.


Nhưng Wang nói rằng đây chỉ là trò chơi con số của CCP để tránh trách nhiệm. Hầu hết dữ kiện của sông ở Trung Hoa được giữ bí mật. Dữ kiện được tiết lộ thường mâu thuẫn.


Wang nói, thí dụ, lưu lượng trung bình hàng năm của sông Lancang ở biên giới Trung Hoa vào khoảng 64 tỉ m3, nhưng một ước tính khác vào khoảng 76 tỉ m3, một sự khác biệt 12 tỉ m3. Nếu 76 tỉ m3 là con số đúng, lưu lượng hàng năm của sông Lancang chiếm 16% lưu lượng sông Mekong tại cửa biển, và khác 2,5% so với tỉ lệ 13,5% của Qin Gang.



Theo Wang, CCP đã từng nói rằng Trung Hoa có 18,6% chủ quyền nước của sông Lancang-Mekong, có nghĩa là 18,6% nguồn nước thuộc về Trung Hoa.


Cho nên vấn đề là, các con số của CCP về sông Lancang-Mekong luôn thay đổi, từ 13,5% đến 16%, và rồi đến 18,6%.


Khi thảo luận về chủ quyền, CCP chọn 18,6%, nhưng khi nói đến trách nhiệm, họ chọn 13,5%.


Wang nói, ngay nếu con số thực sự là 13,5%, nó không có nghĩa là CCP không có trách nhiệm.


Qin Hui, một giảng sư của Đại học Tsinghua (Thanh Hoa) ở Trung Hoa, nói trong một bài viết rằng 13,5% là tỉ số của lưu lượng trung bình hàng năm của sông Lancang với lưu lượng trung bình hàng năm ở cửa sông Mekong. Tuy nhiên, ở nhiều nơi ở Trung Hoa, chẳng hạn như khúc sông ở Luang Prabang [Lời người dịch: Luang Prabang ở Lào chứ không phải Trung Hoa], lưu lượng từ Trung Hoa chiếm khoảng 2/3 tổng số nước của Mekong.


Wang cũng giải thích, “Con số 13,5% vô nghĩa, khi anh đo lượng nước ở Sai Kung [?], cửa sông Mekong ở Biển Đông, vì thế nó là 13,5%. Nhưng cách đúng để đo đạc là sử dụng khúc sông ở gần Trung Hoa, đó là, khúc sông ngay sau khi sông Lancang chảy ra khỏi Trung Hoa. Đó là, nếu anh dùng khúc sông vừa chảy ra khỏi Trung Hoa, và trong vòng 300 km từ biên giới Trung Hoa, anh sẽ thấy rằng có 2/3 số nước từ thượng lưu ở Trung Hoa. Nếu anh giữ nước ở Trung Hoa, người dân ở hạ lưu sẽ la lên rằng họ không có nước chảy xuống.”


Một phúc trình hỗn hợp của Bộ Thủy lợi và MRC cũng xác nhận quan điểm nầy. Theo phúc trình nầy, trong mùa khô ở Mekong, lưu lượng từ đập Jinghong ở Trung Hoa đạt đến 41% dòng chảy của dòng chánh sông Lancang-Mekong từ 2010 đến 2015.


Lượng nước trung bình trong mùa khô và tỉ lệ với lượng nước hàng năm dọc theo dòng chánh Lancang-Mekong (MRC và Bộ Thủy lợi TrungHoa)


Khi phân tích ảnh hưởng của các đập trên sông Mekong, phúc trình nói, “Dùng lưu lượng trung bình hàng tháng của 1960-2009 và 2010-2015, lượng nước trung bình trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 5) được so sánh với Jinghong và 7 trạm thủy học khác dọc theo sông Mekong. Kết quả cho thấy rằng việc điều hành chuỗi đập Lancang đã làm tăng lượng nước trong mùa khô ở Jinghong từ 11,82 tỉ m3 (hay 21% lượng nước hàng năm của 1960-2009) đến 17,77 tỉ m3 (hay 41% lượng nước hàng năm của 2010-2015), hay 5,95 tỉ m3 (hay 20%).”


Qin Hui cũng chỉ trích giới chức Trung Hoa khi nói rằng chỉ có “3 hồ chứa” trên sông Lancang - Manwan, Dachaoshan và Jinghong - mà không nói đến hồ chứa Xiaowan (Tiểu Loan), có sức chứa trên 15 tỉ m3.


Trạm thủy điện Xiaowan bắt đầu sản xuất điện từ tháng 9 năm 2009. Khả năng của hồ chứa Xiaowan gần gấp 5 lần khả năng của Manwan, Dachaoshan và Jinghong gộp lại, với ảnh hưởng đáng kể đối với dòng chảy ở hạ lưu.


Qin Hui thắc mắc, “Tại sao nó ‘gần như không có ảnh hưởng’ trong miệng của các giới chức?”


Theo phúc trình của Eyes on Earth, ngoài hồ chứa Xiaowan, CCP đã xây hồ chứa Nuozhadu (Nọa Trát Độ) lớn hơn trên sông Lancang, với khả năng 27,49 tỉ m3. Máy phát điện đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 2012, và ảnh hưởng ở hạ lưu vượt xa hồ chứa Xiaowan.


Bàn tay giúp đỡ hay đòn bẫy chánh trị


Trong khi CCP chọn để bỏ qua hạn hán trong lưu vực sông Mekong trong năm 2010, họ đã thình lình trợ giúp sáu năm sau.


Trong năm 2016, Việt Nam, nổi tiếng với lúa và thủy sản, bị hạn hán nghiêm trọng, với một số vùng ven biển bị nước mặn xâm nhập vì nước sông sụt giảm.


Theo cơ quan truyền thông nhà nước Xinhua của Trung Hoa, CCP đã chìa tay đến các quốc gia Mekong. Lu Kang, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao vào lúc đó, nói trong buổi họp báo rằng Trung Hoa sẽ cung cấp nước khẩn cấp cho hạ lưu sông Mekong từ 15 tháng 3 đến 10 tháng 4 năm 2016, qua trạm thủy điện Jinghong trong tỉnh Yunnan (Vân Nam), Trung Hoa. Trong tháng 10 cùng năm, một phúc trình được MRC và Bộ Thủy lợi Trung Hoa cùng công bố nói rằng việc xả nước từ chuỗi đập do CCP xây trên thượng lưu sông Mekong đã giúp nâng cao mực nước sông Mekong trong mùa khô. Phúc trình nói, “Việc điều hành chuỗi đập Lancang đã làm tăng lưu lượng mùa khô ở Jinghong từ 11,82 tỉ m3 (hay 21% lưu lượng trung bình của 1960-2009) đến 17,77 tỉ m3 (hay 41% lưu lượng trung bình của 2010-2015), gia tăng 5,95 tỉ m3 (hay 20%).”


Wang nói với The Epoch Times rằng trong năm 2016, trong lúc “cứu trợ tai họa” của CCP, CCP đã xả ít nhất 1.000 m3/sec nước cho hạ lưu Mekong mỗi ngày, và tối đa là 2.000 m3/sec, trong khi lưu lượng tự nhiên của sông Lancang vào khoảng 400 m3/sec vào lúc đó.



Điều nầy có nghĩa là qui mô xả nước của Trung Hoa vượt quá lưu lượng của sông Lancang trong mùa khô, và cao gấp 5 lần lưu lượng tự nhiên ở hạ lưu.


Nó cũng có nghĩa là Trung Hoa đã kiểm soát “vòi nước” của sông Mekong.


Wang nói cũng cần lưu ý rằng việc chuyển nước của Trung Hoa cho hạ lưu Mekong được thực hiện bởi Lệnh Cứu trợ Ngừa Lụt và Hạn hán Trung Hoa (Chinese Flood Control and Drought Relief Command), có nghĩa là CCP dùng ngân khoản “cứu trợ tai họa” để làm. Nó là tiền của người thụ thuế Trung Hoa, và người Trung Hoa đã trả tiền cho CCP. Wang nói lý do khiến CCP ra tay giúp đỡ trong năm 2016 nằm ngoài dự đoán chánh trị.


Trong năm 2014, Thủ tướng Trung Hoa Li Keqiang (Lý Khắc Cường) đề nghị tổ chức Thượng đỉnh Lancang-Mekong tại phiên họp lãnh đạo Trung Hoa-ASEAN. Hai năm sau, vào tháng 3 năm 2016, Thượng đỉnh Lancang-Mekong đầu tiên được tổ chức ở thành phố Sanya (Tam Sa), tỉnh Hainan (Hải Nam) ở Trung Hoa. Lãnh đạo từ 5 quốc gia trong khu vực Lancang-Mekong tham dự thượng đỉnh. Xinhua tường trình thượng đỉnh rất đặc biệt và CCP lợi dụng cơ hội để bày tỏ tình hữu nghị bằng cách xả nước xuống hạ lưu.


Trong bài diễn văn ở hội nghị, Li Keqiang lưu ý rằng cần phải xây dựng một “Cộng đồng cho Tương lai Chung” giữa các quốc gia Lancang-Mekong, và rằng “Trung Hoa đã ký kết hay đang thương thảo với một số quốc gia Mekong các sáng kiến để xây các dự án ‘Vành đai, Con đường’.”


Wang nói rằng bày tỏ một số cử chỉ thân thiện là cần thiết chánh trị của CCP vào lúc đó. Nỗ lực “cứu trợ tai họa” cũng lót đường cho CCP để đầu tư ở các quốc gia ĐNA.


Theo truyền thông nhà nước China Times của Trung Hoa, tiếp theo sau thượng đỉnh Lancang-Mekong đầu tiên trong năm 2016 là danh sách gồm có 78 dự án, một ngân khoản đặc biệt cho hợp tác Lancang-Mekong, và 10 tỉ RMB (1,55 tỉ USD) khoản cho vay, và 10 tỉ tín dụng, tất cả do CCP cung cấp.


CCP có thể được gì từ các quốc gia Mekong?


Các quốc gia lưu vực Mekong tương đối thụt lùi về kinh tế, nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên. Bằng cách đầu tư vào lưu vực sông Mekong, CCP không chỉ bành trướng mậu dịch quốc tế và xuất cảng khả năng nội địa thặng dư qua các dự án Vành đai và Con đường, nhưng cũng có thể tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên phong phú của các quốc gia trong lưu vực sông Mekong.


Thí dụ như Lào. Theo Hướng dẫn Hợp tác Đầu tư Ngoại quốc theo Quốc gia (Guide to Foreign Investment Cooperation by Country) của Bộ Thương mại Trung Hoa, Lào có nhiều mỏ vàng, đồng, kẽm, chì, potassium, sắt, gypsum, than đá và muối. Đồng thời, nước nầy cũng giàu thủy điện và lâm nghiệp. Lào có khoảng 17 triệu hectares rừng, với mức che phủ rừng quốc gia khoảng 50%.



Quốc gia nầy sản xuất gỗ có giá trị như teak, sourwood và rosewood. Trung Hoa nhập cảng đồng, gỗ, và các sản phẩm nông nghiệp từ Lào.


Theo diễn đàn Investgo.cn của Bộ Thương mại Trung Hoa, Trung Hoa cũng là quốc gia đầu tư lớn nhất ở Lào, với đầu tư trong thủy điện và phát triển khoáng sản.


Theo Bộ Thương mại Trung Hoa, Cambodia, một quốc gia khác trong lưu vực sông Mekong, cũng giàu lâm nghiệp, khoáng sản và thủy sản, gồm có gỗ phẩm chất cao như teak, ironwood, rosewood và ebony cùng với đủ loại tre.


Các mỏ khoáng sản của Cambodia gồm có dầu, khí đốt thiên nhiên, phosphate, đá quý, vàng, sắt, bauxite, v.v.


Hồ Tonle Sap ở Cambodia là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất ở ĐNA và được gọi là “Hồ Cá.”


Theo Investgo.cn, trong năm 2019, lượng mậu dịch giữa Trung Hoa và Cambodia đạt đến 9,43 tỉ, tăng 27,7% mỗi năm.


Và trong cùng năm, các doanh nghiệp Trung Hoa đã ký các hợp đồng xây cất mới trị giá 5,58 tỉ ở Cambodia, tăng 93,6% mỗi năm.


Theo Wu Fu-cheng, phó giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh tế Chiến lược Quốc gia ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Taiwan, CCP có mục đích địa chánh trị chiến lược mạnh mẽ trong khu vực Mekong. Đầu tư của họ nhắm vào việc xây dựng đối tác chiến lược với ASEAN và đào sâu mối quan hệ giữa Trung Hoa và ASEAN.


Wang nói với The Epoch Times rằng, bằng cách đầu tư vào lưu vực sông Mekong, CCP cũng có thể bành trướng các đường vân tải bằng tàu. Họ có thể có cơ hội để tạo nên một đường vận chuyển thay thế cho Eo biển Malacca, bằng cách mở một đường thay thế ra Biển Đông qua sông Mekong. [Lời người dịch: Không thể được.] Con đường nầy có thể giúp CCP nhập cảng năng lượng như dầu, và để giảm sự kiểm soát của Hoa Kỳ và Nhật Bản đối với các đường tàu.


Tai hại nào mà CCP đã mang đến sông Lancang-Mekong?


Wang nói rằng bằng cách biến các đập thành đòn bẫy chánh trị, CCP đã gây nhiều tai hại cho người dân trong lưu vực sông Lancang-Mekong. Họ không những khổ sở vì hạn hán thường xuyên, mà kỹ nghệ đánh cá cũng bị ảnh hưởng đáng kể.



Wang nói, sau khi các hồ chứa được xây cất, phù sa chứa chất dinh dưỡng cho cá không thể chảy xuống hạ lưu.


Ngoài ra, nhiệt độ của nước trong hồ chứa thấp hơn nước sông trung bình vài độ. Nhiệt độ thấp làm gián đoạn việc sinh sản của cá. Ngư dân đã than phiền vì thu hoạch giảm sút, và họ lo ngại sẽ mất căn bản để sống còn trong tương lai gần.


Trong khi người dân ở ngoài Trung Hoa đang khổ sở, người dân bên trong Trung Hoa cũng không được lợi từ các đập.


Theo Wang, các đập trên sông Lancang rất cao, hầu hết trên 100 m, và cái cao nhất là 294,5 m. Vì thế, sau khi đập được xây cất, nông dân địa phương phải đi lên núi, nơi đất đai nghèo nàn và không thích hợp để canh tác.


Thứ nhì, nước dẫn tưới của nông dân địa phương rất hạn chế vì nước của hồ chứa Nuozhadu và Xiaowan được trữ cho các nhà máy thủy điện. Thứ ba, trợ cấp của CCP cho người dân dời cư là tiền thuế, không phải tiền của các nhà máy thủy điện.


Wang cũng cho thấy một vấn đề thường được bỏ qua: lũ lụt của sông Lancang rất lớn, với lưu lượng tối đa lên đến 12.800 m3/sec. Trong khi đó, hồ chứa Xiaowan có khả năng xả lũ đến 20.000 m3/sec.


Nếu bất cứ vấn đề nào xảy ra, thí dụ, nếu đập Xiaowan vỡ, hay nếu CCP chọn xả nước trong hồ chứa để giảm áp lực trên đập, người dân ở hạ lưu, kể cả trong lưu vực Mekong, sẽ bị đe dọa lớn lao.


Mặc dù các nhà máy thủy điện mạng lại nhiều thiệt hại và đe dọa, một số điện được sản xuất bị phung phí và không được sử dụng.


Theo Văn phòng Thống kê tỉnh Yunnan, do có thừa khả năng, 31,4 tỉ KWh thủy điện bị phung phí trong tỉnh Yunnan trong năm 2016, và các nhà máy thủy điện trên sông Lancang đang đối mặt với vấn đề tương tự.


Để giảm phung phí, CCP phải đầu tư vào các đường tải điện để đưa điện Yunnan đến những nơi có nhu cầu cao hơn, chẳng hạn như tỉnh Guangdong (Quảng Đông). Đầu tư vào các nhà máy thủy điện và đường dây tải điện có vẻ không mạng lợi cho ai ngoài CCP để tạo thêm GDP.


Sông Mekong: một điểm nóng địa chánh trị mới


Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế càng ngày càng biết thêm về mối đe dọa của CCP đối với các quốc gia ĐNA, và Hoa Kỳ và Nhật Bản đã có những phản ứng thích đáng. Sông Mekong đã trở thành một điểm nóng địa chánh trị mới.


Ngày 26 tháng 2 năm 2021, chánh phủ Nhật Bản tặng 2,9 triệu USD cho MRC để thực hiện kế hoạch chiến lược mới, tìm cách khuyến khích phát triển có trách nhiệm trong khu vực.



Trước đó, trong tháng 9 năm 2020, Hoa Kỳ loan báo việc phát động Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ để khuyến khích ổn định, hòa bình và phát triển khả chấp trong lưu vực Mekong.


Tuyên bố của Hoa Kỳ nói, “Quan hệ của chúng tôi với các quốc gia đối tác Mekong là một phần của tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương và hợp tác chiến lược với ASEAN của chúng tôi.”


Theo BBC, đồng giám đốc Yun Sun của Trung tâm Stimson nói chất xúc tác để Hoa Kỳ phát động chương trình là Trung Hoa đã từ chối chia sẻ tin tức thủy học trước đây, vì dữ kiện sẽ cho thấy CCP điều hành các đập trên sông Lancang như thế nào.


Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo viết trên Twitter ngày 14 tháng 8 năm 2020 rằng “Hoa Kỳ ủng hộ lời kêu gọi của MRC về sự minh bạch trong việc điều hành đập trên sông Mekong. Các đập khổng lồ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang vận dụng dòng chảy thiếu minh bạch gây nguy hại cho các quốc gia Mekong.”


Vào ngày 15 tháng 12 năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phát động Theo dõi Đập Mekong với sự cộng tác của Trung tâm Stimson và Eyes on Earth, và đã công bố mực nước gần nhất ở các đập trên sông Mekong do vệ tinh thu thập.


Một trong những lý do chánh khiến cho sông Mekong trở thành đòn bẫy chánh trị của CCP là thiếu minh bạch tin tức. Mặc dù CCP tuyên bố trong năm 2020 rằng họ sẽ chia sẻ tin tức thủy học trên sông Lancang, họ vẫn chưa làm. [Lời người dịch: Họ đã làm rồi]


Theo MRC, mực nước trong Mekong đã tụt giảm đáng kể trong ngày 31 tháng 12 năm 2020, nhưng CCP không thông báo cho các quốc gia ở hạ lưu cho đến 5 ngày sau, ngày 5 tháng 1 năm 2021.


Wang nói, “Thể thức quốc tế thông thường cho các sông xuyên biên giới là các quốc gia trong lưu vực sông tuân thủ 3 nguyên tắc: thứ nhất, sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước của sông xuyên biên giới; thứ hai, không gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác; và thứ ba, thông báo cho các quốc gia khác trước khi xây cất trên sông, và chỉ bắt đầu xây cất sau khi được đồng ý.”


Tiếc thay, ông nói, CCP không theo các tiêu chuẩn quốc tế, và đã quen với việc giữ và làm mọi thứ trong bóng tối. .


   Mời xem thêm »



© Kate Jiang and Jennifer Zeng
    Bình Yên Đông lược dịch
    Mekong-Cuulong
Nguồn: Kate Jiang and Jennifer Zeng, Chinese Regime Controls ASEAN Countries Via Mekong River’s ‘Water Faucet’. The Epoch Times | March 7, 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad