Phải chăng lịch sử đang lặp lại ? Cuộc trả lời phỏng vấn mà Meghan Markle và hoàng tử Harry dành cho Oprah Winfrey khơi lại những vết thương cũ : Bi kịch với công nương Diana trong những năm 1990, hay như cuộc khủng hoảng vương triều năm 1936 khi quân vương Edouard VIII thoái vị vì tình.
Hoàng gia Anh một lần nữa trong cơn lốc xoáy. Đôi vợ chồng trẻ cáo buộc hoàng gia kỳ thị sắc tộc và thiếu sự cảm thông. Đâu là những hệ quả cho hoàng gia Anh ?
Trên đài Franceinfo, sử gia Philippe Chassaigne, chuyên gia về lịch sử Vương Quốc Anh đương đại, trường đại học Bordeaux – Montaigne lần lượt phân tích những tiết lộ chấn động từ đôi vợ chồng trẻ đối với hoàng gia Anh. RFI Tiếng Việt xin trích dịch giới thiệu.
Franceinfo : Cuộc phỏng vấn của Meghan và Harry làm nhiều nhà quan sát nhớ lại cuộc trả lời của công nương Diana năm 1995 sau khi ly dị với hoàng tử Charles. Sự so sánh này theo ông không biết là có chính xác ?
Philippe Chassaigne : Cuộc phỏng vấn mà Meghan và Harry dành cho Oprah Winfrey cho thấy rõ Meghan là một diễn viên rất tài tình. Theo tôi, cô ấy đã xem rất kỹ cuộc phỏng vấn của công nương Diana năm 1995 dành cho Martin Bashir và đã dùng chúng như là một dạng bản sao.
Có nhiều yếu tố đáng để so sánh. Giống như công nương Diana, cô ấy nói rằng nhiều lần nghĩ đến tự tử. Giống như Diana, cô ấy nói không được hoàng gia ủng hộ hay cảm thông. Người ta có cảm giác như là một bản sao được cập nhật với khía cạnh phân biệt chủng tộc theo đó, một số người trong hoàng tộc dường như đã tự hỏi về mầu da khi Archie mới được sinh ra. Cũng giống như Diana, đó là những điều được nêu ra một cách khơi khơi.
Chúng ta không biết thành viên nào trong hoàng gia dường như đã có những cảm xúc lá mặt lá trái này. Chúng ta chỉ biết là không phải nữ hoàng. Về cái vị thế nạn nhân của Meghan, đây chắc chắn là một sự sao chép từ cuộc phỏng vấn của Diana năm 1995.
Hẳn ông không tin vào sự thành thật của Meghan và Harry ?
Bao giờ cũng có một phần dàn dựng trong kiểu phỏng vấn này. Nếu như năm 1995, sự việc đã được thực hiện một cách kín đáo bao nhiêu khi nhóm quay phim của BBC đã bí mật lẻn vào điện Kensington, thì ngược lại, cuộc phỏng vấn lần này lại được thông báo rộng rãi bấy nhiêu.
Ở đây, đôi vợ chồng trẻ được phỏng vấn bởi Oprah Winfrey, một người bạn thân của họ. Nói gì thì nói, họ cũng trong một lĩnh vực « giữa mình với nhau », nếu không muốn nói là có một sự thông đồng. Thế nên, chúng ta khó có thể tìm thấy có một sự tự nhiên 100% trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình ở tầm cỡ này cả. Không, không thể có được.
Liệu những cáo buộc phân biệt chủng tộc này có thể làm sứt mẻ đến hình ảnh của hoàng gia ?
Nếu nữ hoàng không muốn Harry kết hôn với Meghan, bà có lẽ đã bác rồi. Kể từ đạo luật năm 1772 liên quan đến các cuộc hôn nhân hoàng tộc, mọi sự hôn phối đều phải có sự chấp thuận của quốc vương. Khi nữ hoàng Elizabeth II phải cho ý kiến về cuộc hôn nhân của Meghan và Harry, bà thừa biết Meghan Markle có dòng máu lai nhưng với bà điều đó không quan trọng.
Ở đây có một trò đánh đố nhỏ. Công tước xứ York, Andrew không thuộc những người cấp tiến nhưng điều này ít được công khai nhắc đến nếu so với công nương Anne, người thông thường ăn nói không kiêng nể. Nhưng những quan điểm cực kỳ bảo thủ của bà về một số chủ đề cũng không ngăn cản bà ấy ly dị và tái hôn. Vậy liệu có phải là bà ấy không ? Chưa ai biết cả. Do vậy, lời cáo buộc nữ hoàng kỳ thị sắc tộc là không thể tin được.
Meghan và Harry còn khẳng định rằng điện Buckingham từ chối cho bảo vệ đứa trẻ và nhiều thành viên trong hoàng gia cho rằng Archie sẽ không được phong tước, dù rằng đây là truyền thống. Một lần nữa, lời cáo buộc này liệu có nguy cơ gây xáo trộn hoàng gia ?
Ở đây, hoặc là có sự thiếu hiểu biết, hoặc là có ý đồ xấu xa. Quy định phong tước hoàng tử đã được vua George V ấn định năm 1917, vào lúc ông quyết định thay đổi tên chính thức của hoàng gia từ Saxe-Cobourg và Gotha thành Windsor, đồng thời soạn lại các danh hiệu quý tộc Anh nhằm loại trừ mọi tầm ảnh hưởng của Đức (trong bối cảnh tâm trạng bài Đức lên cao tại Vương Quốc Anh do cuộc Đệ Nhất Thế Chiến).
Trước đây, việc phong danh hiệu hoàng tử, công chúa được dựa theo các quy định của quý tộc Đức. Họ phong tước đông đảo đến mức điều đó mang lại cảm giác bị mất giá trị. Thế nên, trong các ngự chỉ năm 1917, nhằm mục đích làm cho việc phong tước hoàng tử và công chúa trở nên hiếm hơn, George V quyết định rằng các danh hiệu hoàng tử chỉ được trao cho các con và cháu của người trị vì.
Có một ngoại lệ đã được áp dụng cho cháu đích tôn của hoàng tử xứ Wales (cháu trai đầu lòng của con trai cả), trong trường hợp này là hoàng tử George, con trai đầu lòng của William và là cháu nội đầu lòng của thái tử Charles. Nữ hoàng Elizabeth II còn phong tước quý tộc cho Charlotte và Louis, hai đứa con khác của William và Kate, bởi vì những đứa trẻ này nằm trong trình tự nối ngôi trực tiếp. Thế nên, Archie – con trai của Meghan và Harry – chỉ được phong tước hoàng tử khi nào thái tử Charles lên ngôi kế vị nữ hoàng Elizabeth II.
Cứ cho là Meghan không ý thức được những sự tinh tế đó, tại sao không. Nhưng Harry tại sao lại không giải thích, điều này thật sự gây ngạc nhiên. Trừ phi là anh ta cũng không quan tâm những khía cạnh đó đến mức cũng không đào sâu kỹ vấn đề này… Nhưng với công chúng nói chung, sự cáo buộc này rất dễ chấp nhận. Đây chính là kiểu lập luận mà ai nghe cũng thuận tai mà không thấy có vấn đề gì. Và có lẽ cần phải giảng giải nhiều thì người dân Anh mới hiểu được điều này.
Đôi vợ chồng còn giải thích về việc phải sống kín đáo và rời đất nước sang Hoa Kỳ là do thiếu sự ủng hộ của hoàng gia, thêm vào đó là những áp lực truyền thông không thể nào chịu nổi. Liệu mối quan hệ giữa cặp Meghan-Harry với giới truyền thông có giống như những gì mà công nương Diana từng trải qua ?
Sự việc được nêu ra theo hướng như vậy. Khi hoàng tử Harry nói là anh ta từng muốn ra đi để tránh tái diễn những gì từng xảy ra với mẹ anh, bị các những tay thợ săn ảnh truy đuổi và chết vì điều đó, nhưng Harry đã quên mất một nửa câu chuyện. Diana biết cách sử dụng một cách hoàn hảo báo chí lá cải. Bà ấy cần họ trong cuộc chiến mà bà ấy tiến hành để chống lại thái tử Charles.
Những tấm ảnh chụp hồi mùa hè năm 1997, khi Diana trên chiếc du thuyền của Dodo Al-Fayed, trên thực tế được chụp khá gần. Vào thời điểm đó, các ống kính tiêu cự dài chưa mạnh như bây giờ để mà cho phép các tay chuyên săn ảnh ẩn núp có thể chụp những tấm ảnh rõ nét đến như thế. Giờ người ta đã biết rõ điều đó. Người ta còn có những tấm ảnh cho thấy công nương trên một xuồng máy thảo luận với các tay săn ảnh.
Về phần Meghan, sự việc khác hẳn. Cô ấy đúng là nạn nhân của những lời đả kích từ giới truyền thông, và trong một số bài viết, ít nhiều gì cũng có chút xu hướng kỳ thị sắc tộc vì cô ấy có máu lai. Khi còn là thành viên hoàng tộc, Meghan sử dụng các phương tiện truyền thông kém thành thạo hơn so với công nương Diana.
Theo ý ông, cuộc phỏng vấn này sẽ gây tổn hại cho ai nhiều nhất ? Cho hoàng gia hay là cho Meghan – Harry ?
Khi mà Harry và Meghan quyết định trở thành những người thứ cấp trong « hoàng gia », thoái lui các hoạt động mang tính đại diện, và khi, hoàng gia, để đáp trả, đã quyết định gạt họ sang một bên, người ta đã rút ra những điểm tương đồng giữa Meghan-Harry và đôi vợ chồng công tước xứ Windsor, là Edouard VIII và Wallis Simpson. Tuy nhiên, lý do loại trừ là không giống nhau. Lần này, không có chuyện thoái vị vì tình. Nhưng Harry và Meghan đang đi theo cùng một quỹ đạo với Edouard VIII và Wallis Simpson.
Hoàng tử Harry phàn nàn rằng cha của anh, thái tử Charles, không còn nghe điện thoại của anh nữa. George VI cũng đã quá ngán ngẩm khi anh trai Edouard VIII gọi ông liên tục để xin tiền và nữ công tước phải có được danh hiệu công chúa, và vì thế đã ra lệnh không chuyển máy cho ông những cuộc gọi từ người anh.
Tương tự, mối quan hệ giữa hai anh em hoàng tử không mấy gì tốt đẹp, nhất là khi Harry nói rằng cha và anh trai của anh là tù nhân của một định chế mà họ không thể nào tự giải thoát, trong khi mà anh đã chọn cho mình con đường tự do. Ở đây,người ta lại thấy có một cuộc tranh luận : Liệu Edouard VIII nên đặt nghĩa vụ của mình đối với vương quốc và đế chế của mình lên hàng đầu hay là tình yêu của ông dành cho Wallis Simpson ?
Nếu chúng ta muốn có những so sánh hơi vội vàng thì Harry đang ở vị thế của Edouard VIII và William thì trong vai của George VI, cụ cố của anh, với một điểm khác biệt duy nhất là Harry ở vị thế ngày càng xa trong trình tự nối ngôi. Điều đó cho thấy là đòi hỏi tự do này ít gây tổn thương cho hoàng gia hơn là quyết định của vua Edouard VIII hồi năm 1936.
Đôi vợ chồng công tước xứ Windsor trải qua những ngày cuối đời nhàn nhã giữa rừng Boulogne, Côte d'Azur của Pháp và Hoa Kỳ. Còn Harry và Meghan thì định cư tại bờ tây nước Mỹ. Họ có một chuỗi các dự án từ thiện, truyền thông và nghệ thuật, khác với vợ chồng công tước xứ Windsor.
Vì cuộc sống lưu vong hoàng kim đó của Edouard VIII đã không làm tổn hại đến vương triều Anh, thì tôi không chắc rằng cặp đôi Harry Meghan hiện nay gây sứt mẻ nhiều hơn cho hoàng gia. Cho dù công tước xứ Windsor, cho đến lúc qua đời năm 1972, vẫn được người dân Anh Quốc mến mộ, ông ấy chưa bao giờ được xem như là người có thể trông cậy, thay thế khi cần cho George VI hay Elizabeth II. Và tôi chẳng thấy có lý do gì mà Harry không duy trì được một chút thiện cảm nào đó.
© Minh Anh
RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét