Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
“Lần đầu tiên khát vọng Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng. Cần phải khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng, tạo thành sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên, sức mạnh đó không kém gì sức mạnh của cải vật chất.”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông phát biểu như vừa nêu và được truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải hôm 10/3/2021.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 10/3, nói:
“Thực sự trong khi xây dựng một quốc gia, những khát vọng như thế, là có thể rất là quan trọng. Nếu hiểu một quốc gia gồm có lãnh thổ, dân cư, có chính quyền, rồi có những dự án quốc gia... thì những dự án này có thể là xây dựng những cái có thể sờ mó được như tượng đài, đường giao thông... Nhưng về mặt tinh thần, ở tầng văn hóa, thì những việc nêu lên khát vọng thật sự là sự thao túng tư duy của con người. Nó có thể đóng vai trò rất quan trọng, khi mà có rất rất nhiều người tin vào chuyện đấy, hàng triệu người lúc đó trở thành sức mạnh tập thể để cùng làm việc. Tôi nghĩ những kiểu như thế là những cái rất quan trọng để xây dựng một cái gì đấy. Mình chưa nói kết sẽ là tốt hay xấu, nhưng những nhân tố khiến cho rất nhiều người tin nên làm như thế, thì nó cũng giống hệt như tôn giáo, người ta tạo ra niềm tin. Tôi nghĩ cái ý đồ của họ cũng là phạm trù như tôi vừa giải thích.”
Ví dụ đối với giới trẻ mà không quan tâm chính trị, không ý thức được quyền làm chủ của mình thì mấy bạn sẽ theo hướng tích cực. Còn theo riêng em thì khát vọng Việt Nam duy nhất vẫn là khát vọng quyền làm chủ của nhân dân. -Đăng Quang
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phương Tây phát triển dựa trên sự hoài nghi, còn xã hội châu Á ngược lại, phát triển dựa trên niềm tin, niềm tin vào chế độ, vào lãnh đạo... để có khát vọng đưa đất nước phát triển. Ông Hùng dẫn chứng cho rằng kỳ tích chống dịch COVID-19 của người Việt Nam đã chứng minh điều ông vừa nói.
Tuy nhiên trên thực tế, ‘khát vọng Việt Nam’ liệu có phải chỉ là thành tích chống dịch COVID-19? Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về khát vọng này?
Trả lời RFA hôm 10/3 từ Sài Gòn, bạn trẻ Đăng Quang cho biết ý kiến của mình:
“Họ kêu gọi khơi dậy khát vọng Việt Nam theo em nghĩ là về kinh tế, văn hóa, giáo dục... nhưng cốt lõi là họ vẫn giữ độc tôn về lĩnh vực chính trị. Tức là giới trẻ có khát vọng đi làm xây dựng kinh tế, còn riêng về chính trị thì vẫn độc quyền họ làm thôi. Ví dụ đối với giới trẻ mà không quan tâm chính trị, không ý thức được quyền làm chủ của mình thì mấy bạn sẽ theo hướng tích cực. Còn theo riêng em thì khát vọng Việt Nam duy nhất vẫn là khát vọng quyền làm chủ của nhân dân. Từ xưa đến giờ quyền làm chủ của người dân chưa được hiện thực lúc nào, người Việt Nam chưa được làm chủ về đất đai, chưa làm chủ về pháp luật, chính quyền... hay không có quyền phế truất chính phủ khi hoạt động không hiệu quả. Tức những quyền cơ bản nhất của nhân dân vẫn chưa được hiện thực.”
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được Hội đồng Anh công bố tháng 8 năm 2020 cho thấy có đến 70% người Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 30 cho biết an ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của họ. Trong khi đó các vấn đề thời sự trong nước dường như không gây được nhiều hứng thú trong giới trẻ. Chỉ 26% tỏ ra quan tâm đến công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra, vốn là chủ đề nóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên quan tâm đến hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh chỉ là 14%.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói với báo chí còn khẳng định rằng, báo chí cách mạng phải là nơi lan tỏa năng lượng tích cực, phản ánh được dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, để từ đó tạo được sự đồng thuận xã hội, tạo ra niềm tin và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Tuy nhiên Nhà báo Quang Hữu Minh, khi trả lời RFA hôm 10/3 từ Việt Nam cho rằng, báo chí không có tự do thì không thể có sự đồng thuận để khơi dậy khát vọng Việt Nam. Muốn có khát vọng, phải làm sao để có được niềm tin của người dân, để người dân có động lực cống hiến xây dựng đất nước:
“Ở đây có hai vấn đề, năm nay khát vọng Việt Nam đưa vào nghị quyết trung ương tương tự như khát vọng Trung Quốc là vấn đề thứ nhất. Nghị quyết của Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có vấn đề khát vọng Trung Quốc, đưa nước này lên hàng đầu thế giới ngang hàng với Mỹ. Vấn đề thứ hai, khát vọng Việt Nam bây giờ lẫn giới trẻ và người dân ai cũng có, nhưng người ta chán ngán vì đất nước không có pháp luật, dẫn tới người ta mất niềm tin nơi chế độ. Bây giờ muốn có tự do báo chí thì phải có tự do và phát triển trước đã. Muốn có khát vọng, phải có pháp trị để phục hồi niềm tin của dân, để người ta có động lực cống hiến xây dựng đất nước.”
Trong khi người nông dân đang còn gặp phải những khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn... thì vào ngày 28/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp đối thoại với 300 nông dân được cho là xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho khoảng 14 triệu hộ nông dân của Việt Nam lại cho rằng ‘Xây dựng Việt Nam hùng cường là khát vọng của người nông dân’...
Bây giờ muốn có tự do báo chí thì phải có tự do và phát triển trước đã. Muốn có khát vọng, phải có pháp trị để phục hồi niềm tin của dân, để người ta có động lực cống hiến xây dựng đất nước. -Nhà báo Quang Hữu Minh
Trả lời RFA khi đó, một người trồng lúa ở Cần Thơ cho rằng, khát vọng lớn nhất của nông dân hiện nay là làm sao nhà nước Việt Nam nói với Trung Quốc mở cửa đập trên thượng nguồn, cho có nước cho dân cày cấy... chứ để khô hạn, xâm nhập mặn thì cây vườn chết hết thì đâu có làm ăn kinh tế gì được. Ông cho biết, nhà nước không có hướng hỗ trợ gì nhiều như đào kênh, chứa nước ngọt... mà dù có chứa thì theo ông cũng chỉ dùng tạm chứ không sử dụng trọn vẹn mùa khô được.
Trở lại với việc lần đầu tiên ‘khát vọng Việt Nam’ được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA hôm 10/3 từ Hà Nội nhận định:
“Họ cũng có một chút khôn ngoan, họ đã nhận ra một cách lờ mờ, có ba vấn đề họ cho là đột phá để thực hiện khát vọng Việt Nam. Thật ra khát vọng Việt Nam có từ đầu thế kỷ 20, khát vọng của những nhà Nho tân tiến, của Đông kinh Nghĩa thục, của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... rất lớn. Còn bây giờ họ cứ nhăm nhăm đem một chủ thuyết ngoại lai vớ vẩn vào và quên đi những tư duy rất tốt đẹp, lành mạnh, khát vọng rất đẹp đẽ và có lý. Có thể nói khi họ đặt khát vọng Việt Nam vào văn kiện đảng thì họ đã đặt mình lạc hậu so với dân tộc 100 năm. Bây giờ họ mới nói cái này thì quá trễ và quá lạc hậu. Thế thì bây giờ phải gấp rút, nhưng gấp không phải là sống gấp như họ, là chụp giật, cướp bóc, bắn giết để tranh giành quyền lực, giữ lợi ích phe nhóm... Mà phải gấp rút tạo ra những tiền đề, những điều kiện, để thực hiện khát vọng này.”
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, Đảng Cộng sản Việt Nam nếu không giải đáp được vấn đề khát vọng này cho dân tộc, thì họ không còn tính chính danh hay chính nhĩa gì nữa và họ nên lùi đi... để cho dân tộc tự tìm lấy người cầm lái mới, thuê thuyền trưởng mới... Chứ người thuyền trưởng hiện nay theo ông Nguyễn Khắc Mai là hèn kém và tham lam...
© RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét