Dù đau buồn và giận giữ, người Myanmar trong và ngoài nước thấy dân tộc mình đoàn kết hơn bao giờ hết để cùng hướng tới một mục đích: Con đường tự do dân chủ.
Khi đêm phủ bóng, thay vì ngả lưng sau một ngày bận rộn, Justin vẫn ngồi lỳ trước màn hình máy tính. Chỉ còn vài tiếng nữa trời sáng mà thông tin vẫn ngồn ngộn. Súng đã nổ tại nhiều tỉnh thành ở Myanmar. Hàng chục bạn trẻ đã chết do đạn thật trong các cuộc biểu tình.
Với Justin, mai lại thêm một ngày dự kiến đầy bất ổn và chết chóc ở quê hương chùa vàng.
Từ Malaysia...
Mười một giờ đêm 3/3, điện thoại của tôi bỗng reo. Tin nhắn từ Justin:
"Xin lỗi vì đã nhắn tin giờ này. Đây là bản báo cáo tóm tắt tình hình vừa xảy ra tại Myanmar. Ít nhất 61 người chết. Cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình. Phóng viên không được phép vào hiện trường. Do đó chỉ có người dân tại đó mới có thể gửi hình ảnh và video sự thật vừa xảy ra cho thế giới... Chúng tôi không an toàn ở nhà. Chúng tôi không an toàn ở bên ngoài. Chúng tôi không an toàn ở bất cứ đâu..."
Các báo quốc tế lúc này mới chỉ đưa tin 38 người thiệt mạng vì chưa tiếp cận được với thông tin từ nhiều địa điểm khác tại Myanmar. Công việc của Justin cùng nhóm bạn chính là để 'điền vào chỗ trống' này và còn hơn thế nữa.
Năm nay 23 tuổi, Justin, người Rohingya sống tại Malaysia, đã cùng một nhóm bạn khoảng 30 người Myanmar thành lập một nhóm hỗ trợ người biểu tình tại quê nhà.
Hiện nhóm của Justin tại Malaysia đang thực hiện hai hình thức hỗ trợ chính: Đăng tải thông tin trên mạng về tình hình Myanmar cho các tổ chức quốc tế nắm được tình hình thực tế vào đúng thời điểm xảy ra sự việc; và cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các hoạt động gây quỹ.
"Báo chí có thể cũng có những thông tin giống như chúng tôi. Nhưng họ cần thời gian để bài viết, hình ảnh được đăng lên. Trong khi chúng tôi có thể ngay lập tức đăng tải và chia sẻ các livestream và hình ảnh sự việc xảy ra vào đúng thời khắc đó," Justin nói với BBC News Tiếng Việt.
Để làm được điều này, Justin đã xây dựng một mạng lưới các 'nhà báo' không chuyên, là bạn bè anh ở khắp Myanmar, tuổi đời còn rất trẻ. Có người chỉ mới 18. Các 'phóng viên' này chụp ảnh hoặc quay video các sự việc xảy ra tại Myanmar mỗi ngày và gửi về cho nhóm của Justin tại Malaysia. Nhóm chịu trách nhiệm đăng thông tin, ảnh, video lên mạng xã hội và gửi cho các tổ chức quốc tế.
"Từ khi xảy ra đảo chính, tôi gần như không ngủ. Ngày nào chúng tôi cũng cập nhật thông tin từ sáng đến khuya, đến đêm thì viết nội dung để đăng trên Facebook, sau đó họp Zoom để bàn kế hoạch cho ngày hôm sau. Có những đêm chúng tôi chỉ ngủ 2 - 3 tiếng. Thậm chí nhiều hôm chúng tôi không kịp ăn trưa," Justin nói với BBC.
"Trong nhóm có những người có mối quan hệ với các tổ chức như Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, và chính trị gia các nước như Mỹ, Singapore," Justin giải thích.
Để đảm bảo thông tin chính xác, tin cậy, nhóm của Justin hoạt động âm thầm, liên kết với nhau bí mật, và chỉ nhận tin tức, hình ảnh từ người trong nhóm chứ không nhận thông tin từ các thành viên bên ngoài.
Sinh ra tại Myanmar, là người thiểu số Rohingya, tuổi thơ của Justin thấm thía cảm giác bị phân biệt đối xử ngay tại quê hương mình.
"Người Ronhingya không được đi học, không được làm việc, thậm chí không được cưới người con gái mình thích nếu không xin được giấy phép từ chính quyền quân đội," Justin nhớ lại.
"Chính vì thế, khi tôi lớn lên, cả gia đình tôi đã phải chạy sang Malaysia tị nạn."
"Tôi không thể nói là tôi hoàn toàn ủng hộ bà San Suu Kyi, nhưng tôi ủng hộ dân chủ. Chính vì thế tôi quyết định hành động để hỗ trợ người biểu tình."
"Cho tới nay, trừng phạt của Mỹ lên các lãnh đạo quân đội Myanmar là hành động đầu tiên của quốc tế mà chúng tôi thấy rõ nhất trong việc quốc tế đã làm gì để ủng hộ người biểu tình Myanmar."
"Ngoài ra đến nay chưa có gì thêm. Tôi không quá trông đợi vào quốc tế nhưng đây là cách thức duy nhất mà chúng tôi biết. Chúng tôi hiện không thể làm gì hơn. Cuộc chiến đấu này có thể lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà chiến thắng," Justin nói.
… đến Singapore
Có rất nhiều người Miến Điện sống ở nước ngoài như Justin hiện đang liên kết với nhau để hỗ trợ người biểu tình ở quê nhà.
Phương pháp được sử dụng nhiều nhất là đăng thông tin về tình hình tại Myanmar trên mạng xã hội. Mục tiêu là để lan tỏa thông tin tới thế giới, đặc biệt là các tổ chức quốc tế và các cường quốc như Mỹ. Đồng thời cũng để động viên người dân Myanmar tham gia phong trào bất tuân dân sự (CDM) nhằm lật đổ chính quyền quân sự.
Kyaw Han Lin, 38 tuổi, chuyên gia về máy tính, là một trong khoảng hơn 300.000 người Myanmar sống tại Singapore hiện đang làm những công việc này. Kyaw Han Lin nói với BBC:
"Cuộc đảo chính ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của tôi. Mọi dự định của tôi bây giờ đều vỡ vụn."
Sống và làm việc ở Singpore 13 năm, nhưng Kyaw Han Lin luôn nghĩ tới ngày về lại Myanmar. Anh dự định ba năm nữa sẽ đưa con trai về nước ở hẳn, để con được lớn lên và hưởng nền văn hóa Myanmar.
Bây giờ thì, thay vì chuẩn bị kế hoạch về quê, Kyaw Han Lin ngồi riết trước máy tính mỗi ngày để cập nhật tin tức Myanmar trên trang cá nhân trong khi thấy 'tương lai mờ mịt'.
"Ở thời đại này, dù chúng tôi ở trong hay ngoài nước, chúng tôi đoàn kết, liên kết qua internet. Hầu hết người dân Myanmar đang thực hiện CDM (phong trào bất tuân dân sự). Nhiều người làm cho chính phủ không ngồi trong văn phòng nữa mà xuống đường."
"Chúng tôi có nhiệm vụ liên kết mọi người qua internet, tạo ra các khẩu hiệu, cung cấp, chia sẻ các ý tưởng. Giải thích CDM là gì và làm thế nào để tham gia. Tham gia như thế nào cho lâu bền và hiệu quả. Tôi cũng viết các bài viết để động viên họ tham gia CDM và giúp họ có hi vọng," Kyaw Han Lin nói.
Bên cạnh đó, Kyaw Han Lin cùng cộng đồng người Miến Điện ở Singapore tổ chức gây quỹ để cung cấp tài chính và chỗ ở cho những người tham gia CDM tại quê nhà.
Kyaw Han Lin không tiết lộ con số chính xác bao nhiều tiền đã quyên góp và được chuyển về Myanmar với lý do an toàn nhưng anh nói 'đủ' để cung cấp cho những người biểu tình đang cần đến chúng.
"Đây không phải là đảo chính quân đội là lần đầu. Chúng tôi không muốn nó tiếp diễn trong tương lai."
"Ít nhất 80% người dân, dù lo sợ quân đội trả thù, đã biểu tình, cố gắng lên tiếng để quốc tế biết được tình cảnh hiện tại của Myanmar."
"Quân đội chỉ luôn làm theo quyền lợi của họ chứ không làm gì theo quyền lợi của người dân. Mọi quyền lợi mà họ đang hướng tới đặt đất nước vào sự nguy hiểm."
"Hiện tôi thấy tuyệt vọng, thấy tương lai mờ mịt, thấy tức giận... Tôi không thể mô tả được chính xác cảm xúc của mình."
"Từ khi đảo chính xảy ra, tôi không thể ngủ ngon, ăn ngon, không thể làm việc. Nhưng tôi cũng được thấy người Myanmar chưa bao giờ đoàn kết như thế."
"Chúng tôi kết nối với nhau. Cả ngày lẫn đêm chúng tôi thông tin cho nhau, đóng góp ú tưởng, hỗ trợ, chia sẻ thông tin cho nhau và cho thế giới."
"Nếu có thông tin sai do quân đội tung ra, chúng tôi sẽ chỉnh lại ngay lập tức và đăng lên thông tin chính xác."
"Nhận được 'mật báo' quân đội sắp ra quân trấn áp người biểu tình, chúng tôi lập tức chia sẻ thông tin đó rộng rãi trong cộng đồng."
"Chúng tôi nhận thấy mình có trách nhiệm hành động để cho cả thế giới biết những gì đang xảy ra và chúng tôi đang cảm thấy thế nào. Chúng tôi cần phải làm những điều đúng đắn."
"Chúng tôi không muốn quay lại chế độ độc tài lạc hậu và tăm tối. Tôi và người dân Myanmar đã chịu đựng đủ rồi. Tôi không thể để con cái chúng tôi với tương lai đen tối như thế."
Và Nhật Bản
Giận giữ, đau buồn nhưng hy vọng cũng là tâm trạng của Myo Han Htun, Phó giáo sư người Myanmar hiện đang giảng dạy tại một đại học ở Nhật Bản.
"Tôi có lo lắng chứ, nhưng lo lắng không giải quyết được gì," Myo Han Htun nói với BBC News Tiếng Việt.
"Mặc dù chúng tôi sống ở nước ngoài nhưng chúng tôi có chung tinh thần, ý chí với với người dân Myanmar ở quê nhà. Không ai muốn chế độ độc tài. Họ hà khắc đặc biệt với nhóm người thiểu số. Những người thiểu số không bao giờ có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước. Do đó nhiều người phải ra nước ngoài tìm việc làm. Đóng cửa với thế giới đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Myanmar."
"Trong thời kỳ quân đội nắm quyền, chúng tôi không có internet, không được mở cửa ra thế giới, chúng tôi sống như người dân Bắc Hàn.
"Sau đó, khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NDL) của bà San Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, người dân bắt đầu có chút internet. Họ bắt đầu nghe xem các đài như BBC, VOA, nhờ thế mà họ biết được thế giới mà họ đang sống thực sự khác với thế giới mà họ được nghe tuyên truyền trong nước."
"Cha tôi là người Myanmar, mẹ là người gốc Ấn Độ, nên từ nhỏ tôi đã chứng kiến sự phân biệt đối xử.
"Tại sao tôi tham gia vào phong trào ủng hộ người biểu tình ở quê nhà?"
"Đó là do chúng tôi không muốn quay lại thời kỳ độc tài tăm tối, lạc hậu, chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra lần nữa."
"Mọi người đã chịu đựng đủ rồi. Mẹ tôi đã trải qua hai cuộc đảo chính. Thế hệ tôi trải qua hai cuộc đảo chính. Nếu chúng tôi không hành động, sẽ còn có những cuộc đảo chính quân đội tiếp theo trong tương lai."
Do Covid, Myo Han Htun làm việc ở nhà. Sau giờ làm, anh dành thời gian lên mạng để đọc thông tin, phổ biến tin tức cho cộng đồng người Myanmar và thế giới cùng biết về tình hình đang xảy ra tại nước tôi. Sau đó anh lọc các tin giả, chia sẻ và phân tích các tin tức, tình huống thật. Tham gia chia sẻ cách thức biểu tình, cách thức tham gia phong trào CDM, cùng lên ý tưởng cho các phong trào biểu tình mới.
"Chúng tôi kết nối với những người Myanmar trong nước để chia sẻ thông tin. Ví dụ khi quân đội cắt internet, một số người dân có simcard của Thái Lan vẫn còn liên lạc được với chúng tôi. Họ chia sẻ tin mật là quân đội đang tới để dẹp người biểu tình. Từ nước ngoài, chúng tôi chia sẻ và loan báo rộng rãi tin này trên mạng xã hội để những người biểu tình khác ở quê nhà cùng biết để có kế hoạch xuống đường và rút lui phù hợp.
"Tôi cũng báo cáo lên Facebook những tin tức giả mạo để họ khóa các tài khoản này.
"Điều đặc biệt là ngay cả người gốc Trung Quốc ở Myanmar cũng xuống đường biểu tình mặc dù họ có nguy cơ cao bị bắt bớ, tù đày.
"Các bài viết của tôi cũng tập trung vào việc động viên tinh thần, vì tôi biết rất nhiều người Myanmar đang rơi vào tuyệt vọng, giận giữ. Ngoài ra, tôi còn phân tích việc vì sao chúng tôi không nên trông đợi quá mức vào sự giúp đỡ của quốc tế, mà phải dùng chính sức của mình, và đây là cuộc chiến lâu dài nên đừng trông mong sẽ thắng lợi ngay lập tức.
Các bài viết của Htun trên Facebook thường thu hút vài chục ngàn like và share.
"Mỗi chúng tôi là một viên gạch, một hạt cát, để cùng chung tay làm nên lịch sử. Tôi hi vọng rằng các bài viết của mình sẽ mang lại hi vọng cho người dân Myanmar," Htun chia sẻ.
Điều gì đang xảy ra tại Myanmar?
Hàng ngàn người ở Mandalay hôm thứ Năm (5/3) đưa tang thiếu nữ 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar một ngày trước đó.
Kyal Sin, được biết đến với cái tên Angel, đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ "Mọi thứ sẽ ổn" khi cô ngã xuống.
Kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, Myanmar nổ ra các cuộc biểu tình lớn dai dẳng đòi chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử bị giam cầm.
Theo Văn phòng Nhân quyền LHQ, cho đến nay, hơn 54 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Dù những báo cáo khác đưa ra con số cao hơn nhiều. Thứ Tư là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra, với 38 người biểu tình bị sát hại ở các thành phố và thị trấn trên khắp cả nước.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet kêu gọi các lực lượng an ninh "dừng đàn áp tàn ác đối với những người biểu tình ôn hòa".
Hàng chục quốc gia hiện đã lên án bạo lực ở Myanmar, dù điều này phần lớn đã bị các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính phớt lờ.
Sơ lược về Myanmar
Myanmar là quốc gia có 54 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á, có chung biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc. Thái Lan và Lào.
Nước này được cai trị bởi một chính phủ quân sự áp bức từ năm 1962 đến năm 2011, dẫn đến sự lên án và trừng phạt của quốc tế một cách thẳng thừng hoặc gián tiếp.
Aung San Suu Kyi đã dành nhiều năm vận động cho việc cải cách dân chủ. Quá trình tự do hóa dần dần bắt đầu vào năm 2010, dù rằng quân đội vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể.
Chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tự do vào năm 2015. Nhưng một cuộc đàn áp quân sự thiệt hại về nhân mạng hai năm sau đó đối với người Hồi giáo Rohingya đã khiến hàng trăm nghìn người chạy trốn sang Bangladesh.
Việc này nổ ra sự rạn nứt giữa bà Suu Kyi và cộng đồng quốc tế vốn ủng hộ bà trước đó, sau khi bà từ chối lên án việc truy quét hoặc gọi đó là thanh trừng sắc tộc.
Bà vẫn được yêu mến ở quê nhà và đảng của bà đã giành chiến thắng áp đảo một lần nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020. Nhưng quân đội hiện đã can dự để nắm quyền kiểm soát một lần nữa.
© Mỹ Hằng
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét