Các thủy thủ đứng trên boong tàu sân bay Liêu Ninh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khi tàu này tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân PLA của Trung Quốc ở vùng biển gần Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 23 tháng 4 năm 2019. (Mark Schiefelbein / AFP qua Getty Images)
Gần đây, nhiều điểm nóng xung đột bất ngờ “nóng lên” trên toàn thế giới. Khi đề cập đến những điểm nóng xung đột toàn cầu, về cơ bản là không có sự thay đổi đáng kể nào từ cuối thế kỷ trước cho đến nay.
Hiện tại, xung đột giữa Israel - Palestine tại Trung Đông đã trở thành xung đột giữa Israel - Iran; sự biến động tại Đông Âu biểu hiện qua cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; Bán đảo Balkan là khu vực duy nhất trở nên yên bình hơn đôi chút.
Ngày nay, các điểm nóng xung đột quốc tế trọng điểm còn lại đều có liên quan đến Trung Quốc, bao gồm Bán đảo Triều Tiên, quần đảo Điếu Ngư, eo biển Đài Loan, Biển Đông, xung đột giữa Trung Quốc - Ấn Độ, và căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan.
Nhắc đến ĐCSTQ, cuộc xung đột địa chính trị quan trọng nhất đang diễn ra ngày nay là việc đẩy mạnh quá trình quân sự hóa để chống lại Đài Loan.
Kể từ đầu tháng 4 này, máy bay quân sự của ĐCSTQ đã tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không Đài Loan đều đặn trong mười ngày liên tiếp với tổng cộng 74 lần xâm nhập vào vùng đệm.
Cụ thể vào hôm 12/4, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo có đến 25 máy bay chiến đấu quân sự của ĐCSTQ đã xâm nhập vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan chỉ trong cùng ngày, con số này đã lên đến mức kỷ lục. Các máy bay chiến đấu này bao gồm hai máy bay săn ngầm Y-8, một máy bay giám sát Air Police-500, bốn máy bay tiêm kích J-10, 14 máy bay tiêm kích J-16 và bốn máy bay ném bom chiến lược H-6K. Bốn máy bay ném bom H-6K này được trang bị vũ khí hạt nhân.
Theo như bản đồ do Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp, tất cả các máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay đến gần quần đảo Đông Sa nhưng không vượt qua ranh giới của eo biển Đài Loan.
Kể từ tháng 4, ĐCSTQ đã triển khai nhiều loại máy bay quân sự tương tự, và từ các loại máy bay được triển khai này, chúng ta có thể đoán được ý đồ của ĐCSTQ.
Máy bay giám sát Air Police-500 là rất cần thiết cho các chiến dịch phòng không tầm xa.
Máy bay tiêm kích J-10 là loại máy bay quân sự chủ lực trong không chiến; chức năng và thiết kế của nó tương tự như F-16 của Mỹ. J-16 được phát triển từ dòng J-11B và nó được khẳng định là máy bay chiến đấu đa năng hai chỗ ngồi thế hệ 4.5. J-11 là phiên bản Trung Quốc của mẫu máy bay tiêm kích hai chỗ ngồi Su-30 của Nga. Năng lực chiến đấu của loại máy bay này tương tự như máy bay F-15 hai động cơ của Mỹ. Đặc điểm nổi trội của nó là khả năng tấn công cường kích tầm xa mạnh mẽ trên mặt đất cũng như trên biển.
H-6K là máy bay ném bom chiến lược tầm xa được Không quân Trung Quốc triển khai. Ngoài việc được trang bị hệ thống điện tử tối tân, nó còn mang theo nhiều loại tên lửa không đối hạm.
Máy bay săn ngầm Y-8 đúng như tên gọi của nó với năng lực chống tàu ngầm.
Kể từ năm ngoái, các máy bay quân sự này đã thường xuyên đi vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Chúng chủ yếu phục vụ cho tác chiến trên biển.
Kẻ thù tác chiến mục tiêu không phải là Đài Loan, mà là hạm đội tàu sân bay của Mỹ đang tuần tra trên Biển Đông.
Đây có thể là mấu chốt cho cuộc chiến của ĐCSTQ chống lại Đài Loan.
ĐCSTQ đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan trong nhiều năm qua, và chiến lược tác chiến chống lại Đài Loan gần như đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của nó là giải quyết sự bảo hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. ĐCSTQ đã xây dựng nhiều chiến lược “chống tiếp cận”, chủ yếu là để ngăn chặn mối đe dọa từ các nhóm tác chiến tàu sân bay Hoa Kỳ.
Trong tương lai, Không quân sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến. Lợi thế lớn nhất của ĐCSTQ so với Hoa Kỳ trong không chiến qua eo biển Đài Loan chính là khoảng cách. Hàng không mẫu hạm của Mỹ là trở ngại lớn nhất với Trung Quốc trong nỗ lực xâm lược Đài Loan.
Do đó, trong mười năm qua, trọng tâm chiến lược của ĐCSTQ là làm thế nào để đối phó với hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Các chiến đấu cơ tối tân được thiết kế của nước này đều là vũ khí nhằm vào nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
ĐCSTQ thiếu Bộ chỉ huy quân sự có kinh nghiệm thực chiến
Sau khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực tại Trung Quốc, hầu hết các cuộc chiến lớn đều do các tướng lĩnh có bề dày kinh nghiệm tác chiến chỉ huy. Ngay cả trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, hầu hết các tướng lĩnh chỉ huy đều là những người lính dày dặn kinh nghiệm đã từng tham chiến trước đó. Hiện những vị tướng này đều đã không còn.
Thế giới bên ngoài không có cách nào để đánh giá năng lực của thế hệ tướng lĩnh mới này của ĐCSTQ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nhiều tướng lĩnh trong quân đội ĐCSTQ không được phong tướng dựa trên thành tích chiến đấu.
Sau khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực, hiệu suất chiến đấu của Không quân Trung Quốc tốt hơn đôi chút so với Hải quân. Không quân Trung Quốc đã tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950 và trực tiếp chiến đấu chống lại Không quân Hoa Kỳ. Tiếp đó, trong cuộc đối đầu với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc qua eo biển Đài Loan, hai bên cũng đã thực hiện nhiều trận không chiến trong những năm 1950, và từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970. Trong Chiến tranh Việt Nam, cũng từng có xung đột giữa máy bay quân sự Trung Quốc và máy bay Hoa Kỳ.
Tại khu vực Đông Bắc và Bắc Triều Tiên, Không quân Trung Quốc đã tạo dựng được tiếng tăm khi máy bay tiêm kích MiG-15 của nó đối đầu với máy bay ném bom B-26 và F-80 đời cũ của Mỹ. Không có tài liệu nào cho thấy Không quân Trung Quốc đã bắn hạ chiến đấu cơ F-86 Sabre của Mỹ. Nói cách khác, không quân Trung Quốc chỉ chủ yếu tập trung tấn công các máy bay ném bom tầm trung.
Vào cuối những năm 1950, binh chủng không quân Trung Quốc đã cùng tác chiến với phi đội tiêm kích MiG-17 của Nga Xô trong cuộc chiến chống lại Trung Hoa Dân Quốc từ Đài Loan. Vào thời điểm đó, Đài Loan đã đánh trả bằng chiến đấu cơ F-86 của Hoa Kỳ.
Mặc dù vậy, không quân Trung Quốc phần lớn đã bại trận trong các trận chiến chống lại Đài Loan. Kết quả là không quân Trung Quốc co cụm lại trong đất liền và không dám mạo hiểm chiến đấu ngoài khơi.
Chúng đã không bay qua đại dương cho đến những năm 1980.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Không quân Đảng cộng sản Trung Quốc luôn hiện diện như một lực lượng phòng thủ hơn là một lực lượng tấn công phục vụ tác chiến.
Sau năm 1949, hầu hết hải quân cũ của Trung Hoa Dân Quốc đều rút về Đài Loan nhằm chạy trốn chế độ Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù các tàu chiến cũ mà họ nhận được từ Hoa Kỳ đã lỗi thời, nhưng chúng vẫn hoạt động tốt hơn rất nhiều so với lực lượng hải quân mà ĐCSTQ đã vội vã thành lập vào những năm 1950. Hải quân Trung Quốc có hỏa lực yếu kém. Họ có rất ít tàu chiến trên 1.000 tấn, chủ yếu chỉ có pháo hạm và tàu phóng lôi. Nhiều trận hải chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan đều là các trận hải chiến trên biển, tàu chiến Trung Quốc ẩn nấp tại các đảo ven biển, sau đó phát động tấn công bất ngờ, nhanh chóng tiếp cận tàu đối phương và bắn ngư lôi trước khi tháo chạy.
Trận hải chiến cuối cùng giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc là vào năm 1965. Khi đó, Quốc Dân Đảng muốn đánh chiếm quần đảo Đông Sa. Quân đội Trung Quốc có một số tàu phóng lôi chờ sẵn để phục kích Hải quân Quốc Dân Đảng, hai trong số ba tàu chiến của Hải quân Quốc dân đảng bị đánh chìm và một chiếc bị hư hỏng nặng.
Kinh nghiệm từ trận hải chiến Hoàng Sa, công nghệ chỉ là một yếu tố
Năm 1974, Hải quân Trung Quốc và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã tham chiến một lần tại quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông và đã giành được chiến thắng. Hiện nó được biết đến là trận Hải chiến Hoàng Sa, là nỗ lực cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa là nhằm loại bỏ sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã rút toàn bộ quân ra khỏi Việt Nam. Mỹ đã bán một số tàu khu trục từ Thế chiến thứ hai cho Việt Nam Cộng Hòa và cung cấp tập huấn quân sự. Vào thời điểm xảy ra trận Hải chiến Hoàng Sa, Việt Nam Cộng Hòa chỉ mới nhận được tàu chiến của Hoa Kỳ. Sức mạnh chiến đấu không thể hình thành chỉ bằng vũ khí tối tân và lòng quyết tâm. Kinh nghiệm thực hiến mới là điều quan trọng.
Trong trận hải chiến đó, ĐCSTQ có 4 tàu phóng lôi và tàu quét mìn chống lại 3 tàu khu trục của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Phía Việt Nam Cộng Hòa có lợi thế hơn về hỏa lực và năng lực tấn công.
Có lần tôi đã trò chuyện với một chuẩn tướng người Việt đang định cư tại Hoa Kỳ từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng Hòa. Tôi tò mò là tại sao Hoa Kỳ không có bất kỳ hành động nào trong trận Hải chiến Hoàng Sa trước Trung Quốc. Khi đó, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa vẫn là một liên minh quân sự nguyên vẹn, Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải cung cấp hỗ trợ cho miền Nam.
Vị tướng này nói rằng sau khi trận chiến tại Hoàng Sa bắt đầu, Việt Nam Cộng Hòa đã liên tục yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp, nhưng hoàn toàn không nhận được phản hồi. Theo ông, nếu người Mỹ hỗ trợ, chỉ cần hai máy bay chiến đấu của họ thì đã có thể giải quyết vấn đề. Sẽ mất chưa đầy mười phút để bay từ Vịnh Subic ở Philippines đến khu vực xảy ra xung đột hải quân. Tuy nhiên, các cuộc điện đàm của họ cho Hoa Kỳ đều không được hồi đáp.
Các tài liệu của Việt Nam Cộng Hòa ghi chép lại rằng; sau khi Hoa Kỳ bàn giao các tàu chiến cho Miền Nam Việt Nam, họ đã cử rất nhiều chuyên gia cố vấn hải quân đến để huấn luyện cho các thủy thủ Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, vào năm 1974, cũng chính những người Mỹ này tại Việt Nam bất ngờ nhận lệnh không được rời cảng cùng với tàu chiến. Vì vậy, trận Hải chiến Hoàng Sa chỉ còn lại một nhóm tân binh Việt Nam Cộng Hòa ra khơi trên các tàu chiến của Mỹ để chống lại hải quân Trung Quốc.
Do đó, tôi tin rằng Hoa Kỳ đã ngầm thỏa thuận để ĐCSTQ tiếp quản quần đảo Hoàng Sa. Hoa Kỳ đã xác định rằng Miền Nam Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào tay Bắc Việt. Vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa Bắc Việt Nam và Liên Xô ngày càng khăng khít.
Trong mắt Hoa Kỳ, Hoàng Sa không thể rơi vào tay Liên Xô, vì Biển Đông là một kênh chiến lược. Chính sách đối ngoại chiến lược lúc bấy giờ là ưu tiên để Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc còn hơn rơi vào tay Liên Xô.
Việc Hoa Kỳ và ĐCSTQ thực hiện một thỏa thuận bí mật về vấn đề này chưa bao giờ được công khai. Nhưng tôi biết rằng sau khi ĐCSTQ chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Miền Nam Việt Nam, điều kỳ lạ là nó đã không đặt vũ khí và thiết bị tấn công trên quần đảo này.
Chỉ sau năm 2008, ĐCSTQ mới triển khai đặt tên lửa trên chuỗi đảo tại Biển Đông trong khi mở rộng các sân bay, cùng với các công tác chuẩn bị quân sự khác. Nhiều quốc gia bất ngờ trước phản ứng dữ dội từ chính phủ Hoa Kỳ. Phải chăng nó có liên quan đến việc ĐCSTQ phá hủy thỏa thuận ngầm ban đầu với Hoa Kỳ?
Mọi người đều biết rằng việc nâng cấp khí tài quân sự sẽ hỗ trợ cho kết quả của một cuộc chiến. Nhưng kết quả không bao giờ chỉ là vấn đề năng lực của vũ khí. Các chiến lược tác chiến và phương pháp chỉ huy, lãnh đạo cũng phải được nâng cấp để đảm bảo giành chiến thắng.
Hải quân và không quân hiện đại của ĐCSTQ sở hữu trang thiết bị tối tân, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc có năng lực cao trong tác chiến. Sự tự tin của Mao Trạch Đông được rèn giũa bởi một quân đội Trung Quốc với kinh nghiệm thực chiến trong hơn hai thập kỷ chiến tranh tàn khốc. Quân đội của ĐCSTQ ngày nay sử dụng các chiến lược quân sự chưa được thực nghiệm trong việc điều khiển vũ khí tối tân và quân đội không có kinh nghiệm tác chiến. Ngoài công nghệ mới hào nhoáng, vẫn còn nhiều nghi ngờ về năng lực của nó trong chiến tranh thực.
Alexander Liao
Alexander Liao là một ký giả chuyên mục và phóng viên tin tức cho các nghiên cứu về các vấn đề quốc tế tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản nhiều báo cáo, bài đánh giá và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính Trung Quốc tại Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là chính kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
© Khải Anh
The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét