Hồ Động Đình, bộ Cửu Ca và văn hóa tộc Việt - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Hồ Động Đình, bộ Cửu Ca và văn hóa tộc Việt


Hồ Động Đình, bộ Cửu Ca và văn hóa tộc Việt

Hồ Động Đình, vùng đất Tổ của người Việt được ghi dấu trong huyền sử của dân tộc, đây là một trong những hồ lớn nhất Đông Á, hồ đón nhận nguồn nước từ bốn con sông: Tương Giang và Tiêu Giang, Tư Giang, Nguyên Giang và Lễ Thủy. Hồ Động Đình có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức của người Việt. Đây là trung tâm của văn hóa tộc Việt trong thời văn hóa Thạch Gia Hà, là nơi người tiền Việt và cư dân tộc Việt hệ ngữ Nam Á đã định cư và sinh sống liên tục trong hàng nghìn năm, kể từ thời đá cũ khoảng 10.000 năm trước, tới cuối thời đá mới khoảng 4000 năm trước, sinh sống tại đây trong một thời gian dài như vậy, nên vùng đất này đã trở thành một vùng đất vô cùng linh thiêng với người Việt.

Cũng chính hồ Động Đình là nơi chúng ta được chứng kiến khung cảnh tế lễ vô cùng đặc biệt được Khuất Nguyên mô tả lại trong bài Đông Quân, bộ Cửu Ca, tập Sở Từ, những thông tin được cung cấp từ đây, sẽ tái hiện một phần văn hóa rất quan trọng của người Việt, chính là văn hóa thờ Trời.



Bài viết này chúng tôi sẽ không viết như một bài nghiên cứu hoàn toàn khoa học và chuyên sâu, mà dựa trên việc tìm hiểu truyền thuyết, và đối chiếu với các tài liệu khảo cổ, di truyền, để từ đó tìm thấy vị trí quan trọng của hồ Động Đình đối với người Việt, và cũng từ đó tìm hiểu về bài Đông Quân cùng bộ Cửu Ca, để tìm hiểu những đặc trưng văn hóa tộc Việt trong tập thơ có vai trò đặc biệt này.

I. Hồ Động Đình trong tâm thức của người Việt:

Trong truyền thuyết của người Việt, hồ Động Đình là một vùng đất linh thiêng, truyện chép như sau: “Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân”. [1] Hồ Động Đình là một vùng linh thiêng, tới nỗi người Việt cho rằng còn có một vị vua cai trị hồ này, Long Nữ, mẹ của Lạc Long Quân là con của vua Động Đình, tên của bà cũng thể hiện bà thuộc dòng giống nhà Rồng, thường sinh sống dưới nước, Lạc Long Quân sinh ra cũng là giống Rồng.

Cha Lạc Long Quân tất nhiên không phải là người thật, mà là một hình tượng thần thoại được người Việt xây dựng nên dựa trên những yếu tố thực tế trong văn hóa vật Tổ Tiên – Rồng của người Việt. Lạc Long Quân trong khắc họa của người Việt là một người vô cùng tài phép, diệt trừ yêu ma quỷ quái hại dân, yêu thương và khai sáng con dân nước Xích Quỷ, luôn trắc ẩn, hiện về mỗi khi người Việt cần.

“Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần tôn ty, có luân thường về phụ tử phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân: “Bố đi đằng nào, không đến mà cứu chúng ta”, (Người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là từ đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.” [1] Trong lịch sử của người Việt từ thời Hùng Vương cho tới thời độc lập, chúng ta cũng thấy được Lạc Long Quân đã nhiều lần hiện thân cứu giúp người Việt. Đầu tiên là khi người Việt đối mặt với giặc ngoại xâm đầu tiên là nhà Thương, vào thời điểm khoảng 3300 năm trước, Lạc Long Quân đã khuyên vua Hùng nên cho sứ giả đi khắp nước để tìm người tài, chính là Thánh Gióng, Thánh Gióng là một hình tượng có tình đại diện, kết cuộc người Việt đánh đuổi được giặc Ân ra khỏi bờ cõi. Tới thời An Dương Vương, Lạc Long Quân đã sai thần Kim Quy mang nỏ thần tới cho An Dương Vương, giúp An Dương Vương có phương cách đánh bại quân xâm lược lúc đó là nước Nam Việt của Triệu Đà. Ở thời tự chủ, khi đất nước lâm nguy dưới sự cai trị tàn ác của nhà Minh, Lạc Long Quân cũng đã trao thuận thiên kiếm cho Lê Lợi, giúp ông đánh bại quân xâm lược và đô hộ, giành lại nền độc lập cho người Việt.

Vùng đất hồ Động Đình của người Việt là một vùng đất vô cùng giàu có về tự nhiên, sản vật, khí hậu cũng thật hài hòa và tuyệt diệu:



“Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân đã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về.” [1]

Lạc Long Quân sau đó đã kết duyên cùng với Âu Cơ, hình thành nên người Việt. Âu Cơ là giống Tiên, Lạc Long Quân là giống Rồng, sự kết hợp giữa Rồng và Tiên, giữa Dương và Âm, giữa hai loài vật Tổ quan trọng nhất của người Việt: Rồng và chim Tiên, đã tạo nên người Việt mang trong mình một tâm hồn hài hòa giữa hai yếu tố âm dương đó. Cả hai yếu tố Tiên – Rồng, Âm – Dương đều xuất hiện trên các hiện vật khảo cổ tại các văn hóa trong vùng Động Đình.

Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]
1-2: Hình âm dương trên dọi se chỉ văn hóa Khuất Gia Lĩnh. 3: Hình âm dương trên dọi se chỉ Thạch Gia Hà. [2][3][4]

“Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” [1]

Lạc Long Quân và Âu Cơ rốt cuộc cũng phải chia tay với nhau, đây là một sự chia tay bất đắc dĩ, nó biểu hiện cho sự kiện hạn hán trong vùng Dương Tử [5], khiến nền văn minh tại đây sụp đổ, cư dân tộc Việt phải di cư phần lớn về phía Nam, sự kiện này diễn ra khoảng 4000 năm trước theo nghiên cứu di truyền [6][7], trong đó nhóm chính đã cùng với Mẹ Âu Cơ trở về Việt Nam, hình thành nên nước Văn Lang, với văn hóa Phùng Nguyên.

“Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang.” [1]



Câu chuyện họ Hồng Bàng về nguồn gốc của người Việt đậm chất thần thoại, ngắn gọn, súc tích nhưng lại ghi lại rất đầy đủ về nguồn gốc của người Việt. Câu chuyện đã thể hiện sự linh thiêng của vùng Động Đình với người Việt, trong thời điểm hiện tại, người Việt vẫn có ký ức về hồ Động Đình, với việc tôn thờ “Vua cha Bát Hải Động Đình”, chính là vị vua đứng đầu thủy phủ đã được ghi lại trong câu chuyện Họ Hồng Bàng, người sinh ra Long Nữ, mẹ của Lạc Long Quân và là bà nội của của vị vua Hùng đầu tiên. Trong kho tàng ca dao dân gian Việt Nam cũng có câu:

Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bống bồng bông, bống bồng bông
Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên


Cũng chỉ trong một câu ca dao, mà người Việt cũng đã ghi lại rất nên thơ và đầy đủ về nguồn gốc của người Việt với những yếu tố quan trọng nhất: Động Đình, Tiền Đường, con Rồng cháu Tiên.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, thì dường như ở vùng Phú Thọ đã từng có hồ được đặt tên là hồ Động Đình, vùng Bắc Ninh cũng có con sông được đặt tên Tiêu Tương, hiện hồ và sông này không còn, nhưng tại Bắc Ninh vẫn còn lại những dấu tích của tên sông như làng Tương Giang, núi Tiêu, chùa Tiêu.

II. Cửu Ca và văn hóa tộc Việt [8]:

Vương Dật (89 – 158 SCN) cho chúng ta biết Khuất Nguyên (340 – 277 TCN) là tác giả của tập Sở Từ và của bộ Cửu Ca: “Cửu ca là do Khuất Nguyên làm ra vậy. Xưa ấp Nam Dĩnh nước Sở trong vùng sông Nguyên và sông Tương, nó có tục tin quỷ nên ưa cúng kính; hễ có cúng kính thì nó tất làm ra ca nhạc cổ vũ, để làm vui lòng các vị thần; Khuất Nguyên khi bị phóng trục, ra lánh ở vùng đất ấy, lòng mang ưu phiền, chịu khổ cay độc, sầu tư ứ uất, bèn ra xem âm nhạc ca múa của buổi lễ cúng kính do những người làng quê thực hiện. Nguyên nhân vì thế làm ra khúc Cửu ca, trước để bày tỏ sự cung kính đối với việc thờ cúng quỷ thần, sau để nói lên sự oan kết của mình …”.

Theo thông tin từ Vương Dật, chúng ta có thể thấy được bài Đông Quân và cả bộ Cửu Ca nói chung là các bài cúng kính của người Việt, Khuất Nguyên dựa vào đó mà sáng tác nên tập Cửu Ca. Bài Đông Quân có một vị trí quan trọng hơn, bởi những mô tả của nó cho chúng ta thấy một hình ảnh vô cùng gần gũi và thân thuộc với người Việt, đó chính là những hình vẽ trên trống đồng Ngọc Lũ. Xét về niên đại, chúng ta thấy được thời kỳ sinh sống của Khuất Nguyên rất gần với thời kỳ xuất hiện của trống đồng Ngọc Lũ, văn hóa tộc Việt chính vì vậy đã được Khuất Nguyên mô tả lại một cách khá trọn vẹn.

Cách chia đoạn của Lăng Thuần Thanh và bản dịch nghĩa của Bửu Cầm.

Lăng Thuần Thanh, người đầu tiên khiến chúng ta quan tâm tới sự tương đồng của bài Đông Quân và trống đồng Ngọc Lũ, đã phân chia bài thơ thành nhiều đoạn, đồng nhất chúng với hoạt cảnh của một buổi lễ đón rước thần Mặt Trời, về nghĩa chữ Đông Quân, từ điển Bác Nhã cũng cho chúng ta biết cũng có nghĩa là Mặt Trời.

Vừng hồng xuất hiện đông phương,
Tỏa bầu ánh sáng phù tang chói ngời.
Ngựa thuần giong ruổi một hơi,
Màn đêm tan biến, mặt trời quang minh.


Những câu thơ đầu tiên này thể hiện hoạt cảnh khi Mặt Trời mọc, trờ vừa hửng sáng, người phụ trách cúng tế đã lo nghênh thần. Phù tang là một giống cây thiêng, nơi mặt trời mọc. Những câu thơ này cũng cho chúng ta thấy sự linh thiêng của mặt trời trong tâm thức của người Việt, mặt trời là ánh sáng, là quang minh, là biểu hiện cho thánh thần.

Câu “Phủ dư mã hề an khu“, được dịch là “Ngựa thuần giong ruổi một hơi“, theo lý giải của Lăng Thuần Thanh, thì ông cho rằng chữ ngựa là chỉ thuyền bè, người Việt xưa bên hồ Động Đình và lưu vực hai sông Tiêu và sông Tương đã dùng thuyền bè thay ngựa. Hồ Động Đình rất rộng, mặt trời và mặt trăng mọc lên và lặn xuống ở giữa hồ, những người ở bên bờ hồ đã hướng về hướng đông của hồ mà rước thần Thái Dương (Đông Quân), chính vì vậy họ phải dùng thuyền để xê dịch. Lăng Thuần Thanh còn dẫn theo Việt Tuyệt Thư chép: “Người Việt… đi nước mà ở núi, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa, đi như gió mạnh, về thì khó theo, quyết đánh không sợ chết, ấy là thường tánh của người Việt” để làm cơ sở hỗ trợ cho giả thuyết của mình. Chúng tôi cho rằng giả thuyết của Lăng Thuần Thanh là có lý, nó phù hợp cả về thực tế lịch sử thời kỳ đó, phù hợp cả với trống đồng Ngọc Lũ của người Việt.

Phần thứ hai nói về khi Thần giáng lâm, “Giá long chu hề thừa lôi, tái vân kỳ hề uy di.“, được dịch là “Xe rồng chuyển sấm thình lình, Ùn ùn mây kéo: cờ tinh rợp trời.“, Lăng Thuần Thanh cho rằng câu này tả lúc thần giáng thuyền rồng, tiếng trống đánh vang dậy như sấm (lôi). Câu “Tái vân kỳ hề uy di”, là tả một đoàn thuyền nối đuôi nhau như con rắn lượn trên nước, vì trên trống đồng, không phải chỉ có một chiếc thuyền, như vậy đủ thấy thuyền rồng rước thần khá nhiều, trên thuyền cắm đầy cờ xí.



Phần thứ ba nói về người đi xem. Sơn Đái các chú Sở Từ giải thích câu “trường thái tức hề tương thướng” (những ai than thở trông vời) như sau: “Trường thái tức là nói nghe tiếng thở than, tương là sắp, thướng là lên chỗ thần ngồi”. Câu này nói về những người đi xem yên lặng nhìn thần bước lên thần tọa mà cất tiếng thở dài vì sùng kính. “Tâm đê hồi hề cố hoài” là tả sự lưu luyến. “Khương thanh sắc hề ngu nhân, quan giả đạm hề vong quy” là tả buổi lễ có nhiều âm thanh và sắc thái hấp dẫn, làm cho người xem vui say quên về.

Chuông khua trống giục gần kề,
Loan bay, phượng liệng chơi vơi,
Múa theo tiết tấu, nhạc hài thi ca.


Những câu ca này miêu tả một cách rất trọn vẹn hình ảnh những người đội mũ lông chim, mặc áo lông chim có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ. Các nhạc cụ có trống, đàn, sáo, con người thì múa theo tiết tấu, cùng nhau ca hát.

Hình người thực hiện lễ tế Mặt Trời trên trống đồng Ngọc Lũ. [9]
Hình ảnh gõ trống trên trống đồng Ngọc Lũ. [9]

Chuông chính là những chiếc chuông đồng tai dê của văn hóa Đông Sơn, đây là vật vô cùng quan trọng đối với người Việt trong các hoạt động tâm linh.

Chuông tai dê Đông Sơn và chuông tai dê tìm thấy tại Hồ Nam. [Nguồn: 1. báo ĐCS, dẫn; 2. Gary Todd, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn]

Đoạn thứ năm nói về việc tống thần. Câu “Thanh vân y hề bạch nghê thường” chỉ sắc phục của người tế thần hoặc đóng vai thần. “Cử trường thỉ hề xạ thiên lang”, hoạt động này cũng được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ, với hình ảnh người bắn tên đứng ở trên một cái bục cao, mặt quay về hướng tây, hướng mặt trời lặn. Thiên lang trong câu trên là tên một ngôi sao thuộc phân dã nước Tần, nên có nhiều nhà chú giải đã cho rằng câu này được sử dụng để chỉ nước Tần, kẻ thù của Sở, tuy nhiên, giả thiết này chắc chắn không đủ cơ sở, vì đây là bài mô tả các hoạt động của cư dân tộc Việt, nên không liên hệ gì với sự thù địch của nước Sở với nước Tần. Tôn Tác Vân, lúc khảo về bài Đông Quân đã nói rằng: “Thiên lang ở đây có quan hệ với mặt trời. Thiên lang tức thiên cẩu. Hiện nay, truyền thuyết thiên cẩu nuốt mặt trời vẫn còn lưu hành ở nhiều nơi tại Trung quốc. Xưa kia, thần vu chắc có biểu diễn cố sự bắn thiên lang. Trên chiếc thần thuyền khắc ở trống đồng Ngọc lữ và Hoàng hạ, có hình người đứng nơi cao cầm cung tên bắn lên trời, chính là biểu diễn câu Cử trường thỉ hề xạ thiên lang”. Giả thuyết này chúng tôi cho rằng là có cơ sở. Người Việt thờ Đông Quân tức là thần Mặt Trời, nên lúc tế thần phải giương cung bắn kẻ thù của thần là thiên lang (thiên cẩu).

Hình ảnh người đứng trên bục cao của thuyền bắn Thiên lang trên trống đồng Ngọc Lũ. [9]

Câu “Thao dư hồ hề phản luân giáng (hàng)” được Tưởng Ký chú: “Phản là trở về; luân giáng (hàng) là nói mặt trời chìm xuống phương tây”. Sau khi đã bắn thiên lang chặn đường, loại trừ trở ngại, người Việt cầm cung hộ tống thần trở về phương tây.

“Viên bắc đẩu hề chước quế tương” là nói khi lâm biệt, những người phụ trách việc cúng tế rót rượu tiễn thần. Hình sao bắc đẩu giống tửu khí nên mới bảo “viên bắc đẩu” (Tưởng Ký chú). “Soạn dư bí hề cao đà tường” ý muốn nói lúc đưa thần đến phía cực tây, không thể dùng thuyền được nữa, tế giả xin thần nắm dây cương và giục thần mã vượt lên không trung. Câu “Yểu minh minh hề dĩ đông hành” là nói Đông Quân, sau khi trở về phương tây, lại hướng về phương đông mà đi, để ngày mai tái xuất hiện, đem ánh sáng đến cho vạn vật.

Như vậy chúng ta thấy được những câu thơ trong bài Đông Quân đã khắc họa đầy đủ một hoạt động tế thần Mặt Trời của người Việt, kết hợp với những hình họa của trống đồng Ngọc Lũ, chúng ta thấy được rõ nét ý nghĩa và giá trị của những hình vẽ trên trống đồng Ngọc Lũ, chúng đều thể hiện hoạt động tế Trời, là cốt lõi văn hóa và tâm linh quan trọng bậc nhất của người Việt. Văn hóa thờ Trời của tộc Việt đã có lịch sử ít nhất là 6000 năm kể từ thời điểm khởi nguồn cho tới khi người Việt thất bại trong cuộc chiến chống xâm lược của giặc Tần-Hán, với hình tượng thần Mặt Trời tìm thấy sớm nhất trong văn hóa Thành Bắc Khu ở vùng hồ Động Đình, nguồn gốc chính của người Việt.

Hình tượng thần Mặt Trời được khắc họa trên khối đá thời văn hóa Thành Bắc Khu (Chengbeixi, 5800-4700 BC) tại vùng hồ Động Đình, trung lưu Dương Tử, là cội nguồn chính của người Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, chụp bởi Gary Todd, dẫn]

Các bài khác trong bộ Cửu Ca cũng cho chúng ta thấy những hoạt động rất tương đồng với các hình vẽ được mô tả trên trống đồng Ngọc Lũ.

Bài Đông Hoàng Thái Nhất:

Giơ dùi chừ điểm trống
Ca sẽ chừ theo dịp sênh
Cùng nhau chừ cất tiếng hát
Thổi kèn chừ, gẩy đàn tranh [10]


Những mô tả này cho chúng ta thấy sự tương đồng với hình người trên trống đồng Ngọc Lũ, cũng trống, cũng sênh, cùng kèn, không gì khác hơn, nó như mô tả một cách rất đầy đủ về lễ tế Trời của người Việt.

Những câu trong bài Tương Phu Nhân (một vị thần sông Tương), cũng cho chúng ta thấy được một số chi tiết liên quan tới văn hóa của người Việt.

Bè dong chim đậu chi đây?
Ngọn cây ai đặt lưới này lạ chưa?
Nai làm chi ở sân trong?
Thuồng luồng vào chỗ nước nông làm gì? [10]


Thuyền và chim cũng là một hình ảnh thường được người Việt khắc hoạ cùng với nhau, trên các trống đồng và thạp đồng Đông Sơn cũng không thiếu hình ảnh chim được khắc họa bên cạnh những con thuyền Rồng.

Thuyền trên trống đồng Hoàng Hạ. [9]

Hươu, nai cũng là những hình tượng vô cùng thân thuộc với người Việt, thường được người Việt khắc họa lên các trống đồng và đồ đồng Đông Sơn. “Nai làm chi ở sân trong?”, cho chúng ta thấy được sự gần gũi của nó trong đời sống của người Việt.

Hình hươu trên trống đồng Ngọc Lũ. [9]

“Thuồng luồng vào chỗ nước nông làm gì?”, thuồng luồng là một loài vật thần thoại, cũng được ghi lại trong truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt, trong Đại Việt sử ký toàn thư chép là thuồng luồng, trong truyện họ Hồng Bàng chép là giao long, có lẽ đây là hai tên gọi khác của loài vật hay làm hại con người.

Từ những phân tích về bài Đông Quân và một số bài trong tập Cửu Ca ở trên, chúng ta đã thấy được một trong những hoạt động quan trọng nhất của người Việt: tế Trời, đây là một tôn giáo cổ xưa của người Việt, mà nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu cũng khẳng định điều tương đồng với những kết luận của Lăng Thuần Thanh. [11]

Cũng từ sự khảo cứu bài Đông Quân trong sự so sánh với trống đồng Ngọc Lũ, chúng ta cũng thấy được trống đồng Ngọc Lũ là một vật được tạo ra với mục đích chính và cốt yếu là thờ Trời, mọi hoạt động đều có ý nghĩa đại diện mặt tâm linh, đa số trong đó biểu hiện cho sự tôn thờ Trời của người Việt. Trời là tối cao, Trời tạo nên sự sống, các loài vật, con người xuất hiện trên trống đều cùng có ý nghĩa cung nghênh Trời. Cùng với văn hoá thờ Trời, là sự xuất hiện của những hình ảnh về người mặc áo lông vũ, đội mũ lông vũ, cũng như sự xuất hiện của chim Tiên, là một vật Tổ trong nền văn hoá lưỡng hợp Tiên – Rồng của người Việt, những chiếc thuyền cũng được thể hiện hình ảnh lưỡng hợp Tiên – Rồng, với hình ảnh chim bay vào đầu thuyền Rồng. Văn hoá vật Tổ và văn hoá thờ Trời đã hoà quyện vào nhau một cách hoàn hảo trên các hoa văn trống đồng. Trống đồng Ngọc Lũ vô cùng đặc biệt, nó khác biệt rất lớn so với các trống đồng Đông Sơn nhỏ hơn, việc thể hiện trọn vẹn nền văn hoá thờ Trời, kết hợp với văn hoá thờ vật Tổ, là cơ sở để chúng tôi giả thuyết rằng trống đồng Ngọc Lũ được sử dụng riêng cho tầng lớp cao nhất trong xã hội Việt thời kỳ đó là các vị vua Hùng.

Hình tượng chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng

Theo các tài liệu lịch sử và khảo cổ, vùng phía nam hồ Động Đình cho tới trước khi nhà Sở chiếm đất của người Việt vào khoảng 400 năm trước công nguyên, thì đây cơ bản là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt, sau khi nước Sở chiếm được vùng này, một lượng nhất định người Việt vẫn tiếp tục ở lại đây, tiếp tục duy trì văn hoá của mình, sau đó được Khuất Nguyên ghi lại dưới những hoạt động tế Trời trong bài Đông Quân mà chúng ta đã thấy qua những phân tích chúng tôi đã dẫn.

Chiến Quốc sách, khi viết về Ngô Khởi (440 TCN – 381 TCN) đã ghi lại:” 南攻楊越,北並陳、蔡” “Nam đánh Dương Việt, Bắc thôn tính Trần, Sái…)”. [12] Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng chép: “Hùng Cừ (vua Sở) rất được lòng dân miền Giang Hán, liền đem quân đánh các nước Dung, Dương Việt.”. [13]

Văn hóa vùng Hồ Nam thời kỳ Khuất Nguyên vẫn cơ bản là văn hóa tộc Việt, thuộc nền văn hóa trống đồng, các tài liệu khảo cổ cũng cho chúng ta thấy văn hóa tộc Việt hiện diện rất đậm nét tại đây.

Các cổ vật đặc trưng văn hóa tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn: 1, 2, 3, 4]

III. Kết luận:

Vùng hồ Động Đình là trung tâm của người Việt trong nhiều nghìn năm, nơi đây cũng là nơi sinh sống của người Việt, nên hồ Động Đình đã in rất sâu trong tâm thức của người Việt là một vùng đất thiêng liêng, những câu chuyện trong truyện Họ Hồng Bàng, các câu chuyện trong bài Đông Quân và tập Cửu Ca cũng cho chúng ta thấy cốt lõi văn hóa tộc Việt trong vùng hồ Động Đình, sông Tiêu Tương. Tính linh thiêng mãi vẫn còn đó, người Việt vẫn sẽ mãi ghi nhớ vùng Động Đình như vùng đất Tổ đầu tiên của dân tộc mình, cùng với Việt Nam, là đất Tổ thứ hai, cả hai vùng đất đều sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng trong tâm thức của người Việt.

   Mời xem thêm »


© Lang Linh
    Lược Sử Tộc Việt
Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[2] Jean M Green (1993). Unraveling the Enigma of the bi: The Spindle Whorl as the Model of the Ritual Disk. Asian Perspectives:105-24

[3] Chu Điềm 关喜艳、周恬 Quang Hỉ Diễn. Tiến bộ mới trong khu khảo cổ thứ tư của khu vực Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Một số di tích quan trọng đã được phát hiện. 湖北荆门屈家岭遗址第四次考古取得新进展 一批重要遗物被发掘: Nhân dân hàng ngày (Trung Quốc); 2004.

[4] Trương Bằng Xuyên 张朋川 (2005). Đồ gốm vẽ Trung Quốc 中国彩陶图谱: NXB Di sản văn hóa 文物出版社.

[5] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[6] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution. https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[7] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92. https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[8] Phần này chúng tôi lấy tư liệu chủ yếu từ bài khảo cứu của Giáo sư Bửu Cầm, Tương quan giữa những hình cham trên trống Đồng và bài “Đông Quân” trong Cửu Ca, bài được đăng trên Tập san Sử Địa số 25, Sài Gòn, 1971. https://luocsutocviet.wordpress.com/2017/04/27/018-trong-dong-viet-toc-va-bai-ca-dong-quan/

Bên cạnh đó là các bài khảo cứu của Lê Mạnh Thát: Lịch sử Âm nhạc thời Hùng Vương, được chúng tôi đăng lại trên blog. https://luocsutocviet.wordpress.com/2019/06/14/319-%f0%9f%8c%9f-lich-su-am-nhac-thoi-hung-vuong/

Và bài viết của Cung Đình Thanh: Nhân việc đi tìm tác quyền một bài văn, được chúng tôi đăng lại trên blog. https://luocsutocviet.wordpress.com/2017/06/21/042-%F0%9F%8C%9F-bai-ca-dong-quan-khuat-nguyen-va-lich-su-toc-viet/

[9] Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam. Nxb: Viện Bảo Tàng Lịch Sử VN (1974).

[10] Khuất Nguyên, Ly Tao, Nhượng Tống dịch, xuất bản lần đầu do Tân Việt xuất bản năm 1944, Tái bản 2015 của Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học.

[11] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300 https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[12] Phan Anh Dũng, Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử. http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su

[13] Tư Mã Thiên (thời Hán). Sở thế gia. Sử Ký. http://www.guoxue.com/book/shiji/0040.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad