Những phận người đặc biệt dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

Những phận người đặc biệt dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ


Bài viết nhận được hỗ trợ từ chương trình xây dựng năng lực truyền thông của Viện môi trường Stockholm (Stockholm Envrioment Institue – SEI). SEI không có bất kỳ can thiệp nào vào nội dung bài.
Lan cũng như những thanh niên giữ rừng khác, theo cha mẹ vào rừng khi còn tấm bé... Ảnh: Võ Kiều Bảo Uyên


Hơn mười triệu dân TP. Sài gòn được che chắn bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Để bảo vệ “tấm khiên xanh” này, có những người phụ nữ đã gắn bó gần cả cuộc đời với khu rừng ngập mặn này...

Cách trung tâm TP.HCM 40km về hướng Đông Nam, trên bậc thang bắc lên gian nhà sàn nhỏ nằm trơ trọi bên rìa rừng ngập mặn Cần Giờ, Sang xỏ đôi ủng cao su vào. Đó là lần hiếm hoi Sang không đi chân trần.

“Ở nhà đi qua đi lại vài bước chân là hết đất. Mình chỉ mang dép khi về đất liền", Sang nói. “Nhà" trong lời cô cũng chính là chốt giữ rừng được xây trên vài mét đất đắp cao, sát mép sông chảy qua Cần Giờ. Sang là người giữ khu rừng ấy. Bùn phèn khô bám lên hai bàn chân cô. Ở đây khan hiếm nước ngọt, cũng hiếm khi có khách nên Sang chẳng mấy khi để ý. Nước mưa trữ trong thùng không đủ cho hai vợ chồng cô sinh hoạt. Vào kỳ kinh nguyệt cô vẫn phải tắm giặt bằng nước sông, sau đó tráng lại vài gáo nước ngọt.


Sang ra ghe neo trước nhà chờ điện thoại. Chiếc điện thoại Nokia đời cũ treo tòn ten ở cửa ghe, phải treo đúng nơi ấy mới bắt được sóng. Như bao lần khác, một mình Sang ngồi đợi. Trước mặt là khoảng sông mênh mông nối đôi bờ với những vạt đước, mắm, bần. Buổi sáng tháng Mười khuất gió, rừng nước lặng thinh. Vài chiếc ghe đánh cá thi thoảng chạy ngang qua rồi xa dần, mất hút sau những lùm cây. Nhiều ngày dài không có khách cập bến, cô chỉ nhìn thấy mặt chồng.

8 giờ sáng, vẫn chưa ai gọi đến, nghĩa là mọi việc vẫn như lịch hẹn. Tiếng vỏ lãi quen thuộc to dần, từ xa Sang nhìn thấy chiếc nón lá màu hồng của Lan rực rỡ giữa dòng nước bạc. Lan và Sang sẽ cùng đón thêm một đồng đội nữ. Lớn lên bên dòng sông, nhưng cả ba đều không biết bơi, họ cẩn thận mặc áo phao vào. Con nước đã ngập rễ cây, đây là thời điểm thích hợp để ba người phụ nữ, ba chủ hộ giữ rừng Cần Giờ bắt đầu phiên tuần tra. Họ lái vỏ lãi chạy dọc bìa rừng, lách vào từng kênh rạch nhỏ, đi qua trưa, sang chiều. Neo ghe lại, đeo đèn pin lên đầu, bùn lún sắp qua đầu gối, những người phụ nữ lội vào rừng sâu.

“Đi tuần rừng một mình sợ nên ba bà rủ nhau đi cùng”, Sang giải thích, “Đàn ông khỏe đi nhanh. Bọn mình thì hôm nay không xong, về ngày mai đi tiếp. Thăm không sót mảng nào.”

Sang, Lan đã dành cả thanh xuân để bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Võ Kiều Bảo Uyên


Khu rừng rộng hơn 30 ngàn hecta được ví như “lá phổi xanh” của thành phố, là tấm khiên che chắn cho hàng triệu người dân TP.HCM trước bão gió đến từ Biển Đông, là “quả thận” lọc nước thải từ đất liền đổ ra. Vai trò của Cần Giờ càng cần thiết hơn bao giờ hết khi TP.HCM đứng trước viễn cảnh đen tối rằng thành phố có thể sẽ chìm dưới mực nước biển trong vài ba thập niên tới, như một nghiên cứu của Climate Central năm 2019.

Trương Thị Lan (42 tuổi), Phùng Thị Sang (39 tuổi) là thế hệ giữ rừng thứ hai ở đây. Vì nhiều lý do, họ tiếp nối công việc của cha mẹ, gắn mình bên những tán đước, thân bần. Theo một báo cáo vào năm 2015 của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, nam giới là lực lượng nòng cốt giữ rừng ở Việt Nam. Nhưng Lan và Sang không phải là hai gương mặt nữ giới hiếm hoi ở Cần Giờ. Lịch sử của khu rừng này được viết nên bởi rất nhiều người mẹ, người vợ, người con gái.


“Tình yêu có mùi gì?”

Tô lại màu son đỏ, tỉ mỉ dặm lớp phấn nền, Lan đội chiếc nón lá được lồng thêm vải hoa trước khi bắt đầu chuyến tuần tra rừng.

“Dù cả ngày chỉ nhìn thấy cây với cây, thì cũng phải đẹp. Mà ở đây, ngoài trang điểm ra, còn biết tìm thú vui nào khác cho mình", cô nói, tay nắm chặt cần lái. Chiếc vỏ lãi tăng tốc dần trên mặt sông. Lan là tổ trưởng của một tổ tự quản giữ rừng Cần Giờ.

Năm Lan 19 tuổi, ba mẹ hỏi “có thằng hiền lắm, mày chịu không?”. “Ba mẹ đặt đâu thì con cái ngồi đấy”. Lan kể về cuộc hôn nhân với người đàn ông cô chỉ biết mặt vào ngày ăn hỏi. Một tháng sau đó, gia đình hai bên tổ chức lễ cưới.

Nhưng Lan cho rằng cuộc mai mối sắp đặt này đã giúp cô thoát ế. Ở lâu trong rừng, hiếm khi gặp người lạ, không quen ăn nói, cô sợ lời lẽ mình nói ra cục mịch “như dùi đục", khó ai yêu. Có vài người giữ rừng trạc tuổi cô đến giờ vẫn chưa lập gia đình. “Nhỏ tới lớn theo cha mẹ ở rừng, không bạn bè thì quen ai mà lấy”, cô lý giải.

Lan cũng như những thanh niên giữ rừng khác, theo cha mẹ vào rừng khi còn tấm bé. Cha mẹ cô là thế hệ đầu tiên tham gia giữ rừng Cần Giờ. Họ mang theo con cái, chấp nhận cuộc sống tách biệt thành phố bên ngoài. Rồi những đứa con trai lớn lên về đất liền tìm cuộc sống mới. Chỉ còn Lan ở lại với rừng.

Vợ chồng Lan nối nghiệp cha mẹ sau ngày cưới. Họ sống hoà thuận, có với nhau bốn đứa con. Những đứa lớn không chịu được cái buồn của rừng đã vào đất liền làm công nhân. “Làm sao níu chân được bọn trẻ khi ở đây phải chắt chiu từng giọt nước ngọt; ngày mưa gió không có nắng sạc pin, phía thành phố vẫn lấp lánh đèn, còn ở đây, đèn dầu thắp phập phồng”, cô biết nghề giữ rừng đến đời cô là hết.

Hồi tuổi đôi mươi, người giữ rừng ấy từng nhiều lần định bỏ nghề. Cô tự hỏi “sao cũng bằng tuổi, mà người ở đất liền được vui vẻ hơn mình. Họ có bạn bè rủ rê đi cà phê, có điện xem phim. Còn ở đây, cả ngày chỉ có mình với rừng”.

Lan chèo ghe vô đất liền, xỏ dép lên bờ. Cô dạo chợ, đi trên đường đổ bê tông có tiếng còi xe, nằm trong nhà ba mẹ nghe văng vẳng tiếng người cười nói, bài cải lương ai đó đang ca. Được nửa ngày, Lan lại xuống ghe quay về. “Quen ở rừng rồi. Đi xa một chút là không chịu được", Lan giải thích. Cô muốn ở đây cho đến ngày già, về hưu, trả lại rừng cho thành phố.

“Hệt như lấy chồng vậy. Sống với rừng lâu nên nặng tình cảm với nó. Giờ nó bị gì thì xót lắm”, cô giải thích. “Cả đời cha mẹ rồi đến lượt mình, chôn vùi tuổi xuân coi sóc, bảo vệ nó. Cuộc đời mình đã ở đó”.

Bây giờ Lan không thấy buồn, “vì ở đây buồn quen rồi". Nhưng đôi khi người phụ nữ hơn 40 tuổi ấy, giữa cánh rừng mênh mang tự hỏi “tình yêu có mùi gì?”, “người ta sẽ tâm sự như thế nào khi yêu nhau?”.


Nỗi buồn hai thế hệ

Mùa mưa năm 1978, trên vùng bùn lầy trống hoác “nhìn mút tầm mắt mới thấy bụi cây mắm" của Cần Giờ, bà Nguyễn Thị Dởn (68 tuổi), mẹ Sang cắm những trái giống đầu tiên được ghe chở từ Cà Mau về.

Như nhiều cánh rừng khác ở Việt Nam, gần 40.000 ha rừng nơi đây bị xóa sổ bởi hàng triệu lít chất khai quang mà Quân đội Hoa Kỳ đã rải xuống suốt những năm 1964-1970. Rừng chết. Độ mặn từ biển lấn sâu vào phía Nam thành phố, một số khu vực bị sạt lở, tài liệu của Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp TP.HCM ghi chép lại. Ba năm sau ngày tiếp quản Sài Gòn, mùa hè năm 1978, Chính quyền TP.HCM đứng đầu bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã ra quyết định khẩn trương khôi phục hệ sinh thái ngập mặn Cần Giờ.

Một cuộc huy động lực lượng lao động trồng rừng diễn ra: người dân địa phương, thanh niên xung phong, học viên cải tạo. 500 người dân huyện Cần Giờ, phần đông là phụ nữ và trẻ em đăng ký tham gia trồng lại rừng. Cha mẹ Sang và Lan thuộc thế hệ tiên phong này.

Sang và chồng ở chốt canh bảo vệ rừng. Ảnh: Võ Kiều Bảo Uyên


Trong tâm thức của các lãnh đạo thành phố lúc ấy, đó là một trong những việc cấp thiết cần làm ngay trong công cuộc phục hồi đất nước sau chiến tranh. Còn với nhiều phụ nữ Cần Giờ, đây còn là một cơ hội việc làm, giúp họ kiếm tiền nuôi con ở thời kỳ mà bà Dỡn mô tả “ai cũng nghèo khó, không đủ gạo ăn".

Họ bắt đầu trồng rừng bằng lý do kinh tế và 20 năm sau, đã phủ xanh gần 30.000ha rừng. Kết quả này được xem như một kỳ tích bởi đầu thập niên 1970, các nhà sinh thái học người Mỹ ước tính “cần khoảng 100 năm mới phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ”, như lời kể của Cựu Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Nguyễn Đình Cương.

“Không thể trồng nhanh như vậy nếu thiếu phụ nữ huyện Cần Giờ. 3-4 ông đàn ông làm một ngày có khi không bằng một chị phụ nữ”, ông quả quyết.

Nguyên Giám đốc Lâm trường Duyên Hải (nay là Ban Quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ), Nguyễn Minh Hải vẫn nhớ hình ảnh hàng nón trắng của các chị, các cô đang khom lưng cắm trái giống xuống vùng sình lầy. Ông kể, sau mấy tuần đầu triển khai, lãnh đạo lâm trường nhận ra, các chị em có thân hình nhỏ nên lội bùn nhanh nhẹn, linh hoạt hơn cánh đàn ông nên trồng năng suất hơn. Nhiều người sau đó được phân công làm tổ trưởng quản lý lao động, giám sát việc gieo trồng.

Thời gian của những người trồng rừng lúc bấy giờ tính theo con nước lên xuống, bất kể ngày đêm, mưa nắng. Nước lên, các tổ chèo ghe đưa trái giống vào; nước ròng, rút xuống, lại tranh thủ găm giống. Họ ăn gạo trộn bo bo, lội bùn qua đầu gối, cây gai đâm chảy máu và hồi sinh cả một vùng đất chết.

Cây rừng trưởng thành, nhiều người trong số đó ở lại trông coi, bảo vệ trước nạn đốn trộm hoành hoành. Năm 2000, khu rừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Còn Hiệp hội Hệ sinh thái rừng ngập mặn Quốc tế (ISME) đánh giá đây là “một trong những khu rừng ngập mặn được cải tạo rộng và đẹp nhất trên thế giới”.


Nhưng bây giờ, bà Dỡn không muốn nhắc đến niềm tự hào ấy. Dưới vòm rừng đã xanh trở lại, bà có một nỗi day dứt khác mà theo lời bà, “buồn ở rừng làm sao buồn bằng chuyện này". Đứa con gái duy nhất của bà mù chữ.

“PHÙNG THỊ SANG - nó chỉ biết ba chữ ấy, tên của nó. Bây giờ nó vẫn hận tôi vì hồi nhỏ không cho nó đi học. Vì nghèo, mình đi giữ rừng mà con cái mình dốt”, đôi mắt ngấn nước, bà tự trách mình.

Sau khi cây được phủ dày, vợ chồng bà tiếp tục xin giữ rừng. Cũng như nhiều hộ giữ rừng khác, họ cùng sáu đứa con sống cách biệt với đất liền, cách đó gần một giờ chèo xuồng. Bà đưa Sang theo khi cô vừa đầy tháng tuổi. Năm đứa con trai đến tuổi đi học đều được cha mẹ gửi về đất liền. Nhưng riêng Sang, cô chưa một ngày đến trường. Cha mẹ để tuổi thơ cô ở mãi trong rừng.

“Có mỗi mình nó là con gái nên cưng nó. Mấy đứa con trai, mình không lo nhưng với con gái, tôi sợ về đất liền đi học, không ai trông coi thì hư”, bà Dỡn kể lại ngày ấy.

“Mình không biết chữ nên thua thiệt người ta. Tại sao hồi đó cha mẹ chỉ cho các anh em trai đi học?”. Đến giờ, dù biết lý do nhưng Sang vẫn còn trách cha mẹ. Quyết định đó đã khiến lựa chọn sinh kế của cô đã bị tước mất khi chưa kịp trưởng thành.

“Mù chữ, không nghề nghiệp. Vô đất liền cạnh tranh sao lại người ta", đó là lý do Sang gật đầu nối nghiệp giữ rừng. Còn lý do để cha mẹ cô giao rừng lại cho con gái là vì cô là lựa chọn duy nhất của họ.

“Ban đầu, cha mẹ có ý trao rừng lại cho các anh, vì mình là con gái. Không anh nào chịu, mới tới lượt mình", cô kể. “Chốt giữ rừng này cách chốt giữ rừng kia cả mấy chục phút chạy ghe. Cả ngày chỉ có hai vợ chồng nhìn mặt nhau. Nhiều người không trụ được."

Hình ảnh về rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Thành Nguyễn


Ngoài cái buồn ra, còn một lý do khác khiến rừng không níu chân được nhiều người. Lương giữ rừng gần 1,2 triệu đồng/ha/năm, một tháng hộ nhà Sang nhận được khoảng 7 triệu đồng. Từ góc nhìn của người làm công tác quản lý, số tiền này cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba so với nhiều địa phương khác trên cả nước, nhờ TP.HCM rót thêm ngân sách, tăng lương cho người giữ rừng. Nhưng nó “vẫn thấp hơn đi vào xưởng làm công nhân trên thành phố”, Sang tính toán. Vợ chồng cô còn phải lo cha mẹ già, còn hai đứa con đã gửi về đất liền cho ông bà ngoại. Ban đêm chồng cô không ngủ, anh đi soi ba khía, bắt cá. Có hôm anh kiếm được đôi ba trăm ngàn, cũng có những ngày đi về tay không. Cuộc mưu sinh của họ càng vất vả khi mấy năm gần đây, lượng cá tôm ngày càng giảm.

Đứa con trai lớn 17 tuổi của Sang đã bỏ học, đi làm công nhân. Cô phân tích, “nó đi làm xưởng, có lương tháng, tan ca thì được đi chơi, ở rừng chỉ có muỗi”. Sang không muốn gắn đời con vào rừng như bố mẹ nó.

Cách đó hơn nửa tiếng xuồng máy, trên đất liền, bà Dỡn cũng không nhìn thấy tương lai nào cho con mình từ những tán rừng ngập mặn, dù bây giờ rừng không hay xảy ra chặt trộm, những chuyến tuần tra không còn nguy hiểm như thời bà.

“Vì tôi mà giờ nó mới bị kẹt trong ấy", bà muốn con bỏ rừng. “Nó cần một công việc trong thành phố để gần con cái, lương đủ phòng thân lúc về già.”


Nhiều hộ khác đã trả lại rừng do lương thấp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Nhưng với Sang, cô không suy nghĩ về hay ở. Bởi sau gần 20 năm nhận rừng từ cha mẹ, cô vẫn không có lựa chọn nào khác.

“Ở đất liền, mình không có gì cả. Không đất, không nhà, không nghề nghiệp, không vốn liếng”, cô nói.

Nhiều dự án xây dựng đô thị, kinh tế du lịch ở huyện Cần Giờ được chính quyền TP.HCM thông qua. Thành phố cho rằng, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Cần Giờ, nhiều việc làm cho người dân địa phương. Còn với Sang, “phát triển cái gì cũng được, miễn đừng đụng tới rừng, miễn không làm giảm tôm cá. Đời sống của hộ giữ rừng chỉ có bấy nhiêu đó thôi", cô chỉ tay vào những rặng đước sau nhà.

“Nhưng có dự án sao? Bọn tôi trong này không hay biết gì cả”, cô hỏi ngược lại.

Có nhiều sự kiện bên ngoài tán rừng diễn ra và trôi qua mà Sang, Lan, bà Dỡn... những người phụ nữ trồng rừng, những người phụ nữ giữ rừng không được biết đến.

   Mời xem thêm »




© Võ Kiều Bảo Uyên
    Người Đô Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad