Chuyện lạ: Phạm Công Danh đã tốt nghiệp đại học nhưng… không nhớ nơi học - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Chuyện lạ: Phạm Công Danh đã tốt nghiệp đại học nhưng… không nhớ nơi học


Sau 2 tuần xét xử, ngày 29/7, HĐXX TAND TP.HCM đã bắt đầu thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh, Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh – người được xác định là “chủ mưu” trong việc gây ra thất thoát hơn 9.000 tỷ tại ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Bị cáo Phạm Công Danh
Bị cáo Phạm Công Danh
Bắt đầu bằng lời khai về trình độ học vấn, Phạm Công Danh cho rằng mình đã tốt nghiệp phổ thông và sau đó tiếp tục vừa làm, vừa học quản trị kinh doanh. Tuy nhiên bị cáo cho biết không còn nhớ nơi học.

Trước lời khai này HĐXX cho biết trong quá trình điều tra bị cáo khai đã từng học Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Australia và Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM từ năm 1987 đến 1991. Tuy nhiên kết quả xác minh sau đó cho thấy trong khoảng thời gian này trường không có học sinh nào tên Phạm Công Danh.

Trước nghi vấn này, HĐXX đã đề nghị VKS xem xét truy tố thêm tội xử dụng bằng giả nếu có đủ căn cứ chứng minh.

Tiếp tục sau đó bị cáo Danh khai về khoảng thời gian mua lại Trust Bank (ngân hàng Đại Tín, tiền thân của VNCB). Theo bị cáo tại thời điểm ấy mình đang có ý định thành lập một ngân hàng thì gặp Hà Văn Thắm (Chủ tịch ngân hàng Đại Dương) và được biết lúc đó ông này đang là người quản lý Trust Bank dù trên giấy tờ vẫn do bà Hứa Thị Phấn đứng tên.

Cũng theo quy định của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm đó, một người không được sở hữu hai ngân hàng yếu kém, trong khi đó cả Trust Bank và ngân hàng Đại Dương đều đang bị kiểm soát đặc biệt nên ông Thắm không thể quản lý cả hai.

Chính vì vậy bị cáo Danh đã chuyển cho ông Thắm 500 tỷ đồng để ông này chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ tại Trustbank. Theo bị cáo, số tiền này được ông Thắm giải thích là tiền để “chăm sóc khách hàng”.

Bị cáo Danh cũng thừa nhận rằng giống như Mai, khi tiếp quản VNCB ông đã bị “sốc” khi thấy số tiền “chăm sóc khách hàng” (thực chất là tiền trả lãi vượt trần) quá lớn. Do trước đó các giám đốc chi nhánh đã bỏ tiền túi để trả khoản tiền này nên khi ông Danh về phải chi trả lại cho họ.

Tình hình căng thẳng tới mức bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho rằng có lúc các giám đốc chi nhánh đã “liên tục kéo lên” hội sở.

Khi HĐXX chất vấn về số tiền bỏ ra để tái cơ cấu Trust Bank, bị cáo Danh cho biết khi đó “không có ngân hàng nào dám nhảy vào ngân hàng này” và cũng không có ngân hàng nào dám công khai việc mình trả lãi vượt trần. Thậm chí những khó khăn đó đã khiến bị cáo có ý định bỏ cuộc.

Cũng theo bị cáo Danh thì khi biết được điều này một vị Chánh thanh tra của ngân hàng Nhà nước đã “động viên” ông tiếp tục làm bởi trên thực tế không thể dùng tiền của nhà nước để tái cơ cấu cho Trust Bank.

“Lúc đó tôi mới làm tiếp dù không hiểu về nghiệp vụ ngân hàng (…) Tôi xin lỗi các nhân viên tập đoàn Thiên Thanh vì tôi mà bị liên lụy” – bị cáo Danh nói và cho biết mình đã mang hết cả nhà, xe đi thế chấp để cứu Trust Bank.

Tiếp theo, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc  trình Ngân hàng Nhà nước một danh sách cổ đông trong đề án tái cơ cấu nhưng nhiều người trong số đó không hề có tiền, bị cáo Danh cho rằng một số người sau khi biết thực trạng của Trust Bank đã không tham gia, một số sau khi tìm hiểu cũng đã rút lui khiến bị cáo phải bỏ tiền túi để “cứu ngân hàng”.

Cũng theo bị cáo Danh thì sở dĩ quyết định mua lại Trust Bank vì nghĩ rằng thị trường bất động sản sẽ phục hồi, bởi việc mua lại ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc sẽ sở hữu những bất động sản mà ngân hàng đang nắm giữ.

Trước câu hỏi này HĐXX đã có nhận định cho rằng việc bất động sản không hồi phục đã khiến các kế hoạch đổ bể và đẩy ngân hàng ngày càng lún sau vào khó khăn, và trước áp lực thanh khoản mỗi ngày một lớn, bị cáo đã có hàng loạt hành vi sai trái để rồi dẫn đến hậu quả bị truy tố như hiện nay.

Nguyễn Cường

(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad