Những rạn nút trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Những rạn nút trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN


Sự rạn nứt giữa Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề Biển Đông ngày càng lớn, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ thái độ ngoan cố, sẽ làm tổn hại tới quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng mà trước hết là các nước ASEAN. 


Để kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, một cuộc họp ngoại trưởng đặc biệt giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức hồi tháng 6/2016. Mặc dù hai bên còn tồn tại nhiều vấn đề song hội nghị đặc biệt này lúc đầu được mong đợi là cơ hội rất tốt cho thế giới bên ngoài thấy sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai bên.

Tuy nhiên, bất ngờ liên tục xuất hiện. Trước hết, Trung Quốc và các nước ASEAN không thể đạt được sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông, nên không thể đưa ra được tuyên bố chung. Ngoài ra, ngoại trưởng các nước ASEAN cũng không tham dự cuộc họp báo theo như dự định ban đầu, cuối cùng chỉ có một mình Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tổ chức họp báo. Không chỉ có vậy, ngoại trưởng các nước ASEAN đều có ý định đưa ra thêm một bản tuyên bố chung, trên thực tế, bản tuyên bố chung đã được phía Malaysia đưa ra. Bản tuyên bố chung này bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến ở Biển Đông thời gian gần đây, thể hiện thái độ cảnh giác đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một giờ sau đó, phía Malaysia đã cho rút lại bản tuyên bố chung. Một loạt báo cáo liên quan đến sự kiện này cho thấy do chịu tác động mạnh mẽ từ Trung Quốc nên các nước ASEAN không thể đạt được sự thống nhất về vấn đề Biển Đông. Quả thực, thái độ giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông còn nhiều khác biệt. Ngoài ra, việc thu lại bản tuyên bố chung lần này là sự lặp lại năm 2012 và hậu quả của nó là rất lớn. Tại hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) được tổ chức tại Campuchia năm 2012, do sự chia rẽ trong vấn đề Biển Đông nên hiệp hội này đã không thể đưa ra được thông cáo chung, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của ASEAN kể từ khi thành lập. 

Tuy nhiên, một loạt sự việc xảy ra tại hội nghị đặc biệt ở Côn Minh cho thấy những điều cần xem xét. 

Trước hết, hội nghị đặc biệt ngoại trưởng Trung Quốc-ASEAN lần này khác so với hội nghị định kỳ giữa Trung Quốc và ASEAN. Hội nghị lần này được tổ chức để kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-ASEAN, là "hoạt động kỷ niệm" đặc biệt nhằm thúc đẩy quan hệ song phương phát triển hơn nữa. Thông thường, trong hoạt động kỷ niệm như thế này, dù có sự khác biệt cũng cần phải loại bỏ những bất đồng sang một bên, cố gắng thể hiện được tương lai tươi sáng cũng như quan hệ hữu hảo từ những người tham gia. 

Trên thực tế, cho đến nay, trong các "hoạt động kỷ niệm" ASEAN+1 với Trung Quốc hay các nước khác trong khu vực, đều có tuyên bố chung thể hiện quan hệ hữu hảo và hợp tác tốt đẹp giữa hai bên. Ví dụ năm 2011, Trung Quốc và ASEAN nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại đã đưa ra Tuyên bố chung. Tương tự, Nhật Bản và ASEAN cũng đưa ra tuyên bố chung tại hội nghị đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Nhật Bản-ASEAN. Hồi tháng 2/2016, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN cũng đưa ra tuyên bố chung Sunyland.

Đứng trên góc độ này, hội nghị đặc biệt ngoại trưởng lần này do vấn đề nội dung nên không đạt được sự thống nhất với Trung Quốc, ông Vương Nghị đành phải tổ chức họp báo một mình, đó cũng là một điều rất khác thường. Những sự việc này cho thấy một điều là không phải mức độ nhiệt tình của các nước ASEAN không cao, mà là có sự rạn nứt rất lớn trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN liên quan tới vấn đề Biển Đông. 

Ngoài ra, mặc dù Malaysia phải rút lại bản tuyên bố chung đã phát ra và rất mất thể diện, song chính sự lo lắng của một số nước trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, kiên quyết phản đối các hành động của Trung Quốc đã được toàn thế giới biết tới. 

Điều đáng chú ý là trong những năm gần đây, không chỉ các nước có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, mà các nước trước đây giữ thái độ trung lập như Indonesia, Singapore, Thái Lan cũng không giấu được mối quan ngại sâu sắc đối với vấn đề Biển Đông và các hành vi của Trung Quốc ở đây. Đặc biệt quốc gia lớn nhất trong ASEAN là Indonesia cũng ngày càng lo ngại trước "dã tâm" của Trung Quốc đối với quần đảo Natuna của họ.

Có thể thấy các nước sáng lập ASEAN và Việt Nam dường như ngày càng lo ngại trước các hoạt động của Trung Quốc, trong khi Campuchia và Lào lại thể hiện thái độ gần gũi với Bắc Kinh. ASEAN sử dụng nguyên tắc đồng thuận trong việc đưa ra các quyết sách, vì vậy không thể hoàn toàn bỏ qua ý kiến của hai nước này. Tuy nhiên, trong ASEAN, các nước giữ thái độ cảnh giác Trung Quốc vẫn chiếm đa số.

Trung Quốc bày tỏ thái độ không chấp nhận các phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan tới vụ kiện của Philippines đối với những tuyên bố của họ ở Biển Đông. Tuy nhiên, sự rạn nứt giữa Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề này ngày càng lớn, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ thái độ ngoan cố, sẽ làm tổn hại tới quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng mà trước hết là các nước ASEAN. Để duy trì sự phồn vinh và hòa bình toàn bộ khu vực, hy vọng Trung Quốc sẽ có thái độ ôn hòa và có những cách xử lý thích hợp trong giải quyết những bất đồng.

Theo Liên hợp Buổi sáng

Văn Cường (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad