VIỆT NAM – Cuối buổi chiều ngày 28 Tháng Bảy, truyền thông Việt Nam đồng loạt đăng tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam về chuyện thăm dò, khai thác dầu tại Biển Ðông.
Theo đó, tại một “cuộc họp báo” tổ chức cùng ngày, “trả lời báo giới về những ý kiến, thông tin gần đây liên quan đến hoạt động dầu khí của Việt Nam,” bà Hằng “nêu rõ”: “Hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.” “Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở biển Ðông.”
Có dấu hiệu cho thấy “cuộc họp báo” vừa kể là… “họp báo cuội”: “Tin tường thuật” về “cuộc họp báo” trên hệ thống truyền thông Việt Nam giống nhau tới mức khiến người ta phải nghĩ rằng, báo giới Việt Nam đã cùng nhau chép lại một văn bản soạn sẵn nhằm đối phó với chỉ trích hệ thống công quyền làm ngơ trước các diễn biến gần đây tại Biển Ðông đang càng ngày càng kịch liệt.
Hiện đang có nhiều nhận định khác nhau về sự kiện Việt Nam yêu cầu Respol – một tập đoàn dầu khí của Tây Ban Nha – dừng thăm dò tại lô 136/3, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 200 cây số.
Sau khi BBC đăng tin của Bill Hayton – một chuyên gia về Châu Á, cho biết, Việt Nam làm như thế vì sợ Trung Quốc sẽ tấn công các tiền đồn của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, trong một bài về sự kiện này, Reuters bảo rằng, sau khi kiểm chứng thì họ thấy tàu thăm dò dầu khí vẫn hiện diện tại lô 136/3.
Ngoài ra người trên một chiến hạm của Indonesia cũng đã kể với phóng viên của hãng này rằng, họ đã thấy ba tàu của lực lượng cảnh sát biển và hai tàu đánh cá của Việt Nam ở vùng biển thuộc lô 136/3 và nhìn chung thì tình hình không có gì bất thường.
Tuy nhiên không chỉ Bill Hayton, sau khi kiểm chứng thông tin, một số chuyên gia về Châu Á, Ðông Nam Á, biển Ðông như Carl Thayer, Alexander Vuving cũng khẳng định, Việt Nam đã yêu cầu Respol ngưng thăm dò tại lô 136/3.
Bill Hayton và Carl Thayer vừa cho biết thêm, Trung Quốc đã gửi lời hăm dọa Việt Nam qua đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.
Thế nhưng các chuyên gia đang bất đồng trong đánh giá tác động về sự kiện này. Bill Hayton đứng đầu nhóm những chuyên gia cho rằng, Việt Nam thiếu khôn ngoan khi thối lui. Một số chuyên gia khác thì cho đó là hệ quả của tình trạng “lực bất tòng tâm.”
Alexander Vuving dẫn các nguồn tin từ Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã điều động khoảng 200 tàu đủ loại đến vùng biển thuộc lô 136/3, trong khi Việt Nam chỉ có thể đưa khoảng 50 tàu đủ loại đến đó. ở khu vực khoan dầu này. Vuving nhận định, yêu cầu Respol ngưng thăm dò dầu khí tại lô 136/3 là cần thiết, có tính chiến lược chứ không phải hành động đầu hàng.
Yêu cầu này phát xuất từ tương quan lực lượng quá chênh lệch, không đủ khả năng để bảo vệ hoạt động thăm dò. Carl Thayer tán thành và cho rằng, Việt Nam không muốn hành động vội vàng khi tình thế rõ ràng là bất lợi. (G.Ð)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét