Kinh tế, đồng minh giúp Donald Trump tái đắc cử - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Kinh tế, đồng minh giúp Donald Trump tái đắc cử


Bức tranh kinh tế màu hồng của nước Mỹ tạo lợi thế cho tổng thống Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Ba chỉ số cơ bản là tăng trưởng, thất nghiệp và chứng khoán đều chứng minh ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là người đem lại thịnh vượng cho Hoa Kỳ. Trên bàn cờ thương mại, hiệp định "đình chiến" với Bắc Kinh đủ để cho phép chính quyền Trump "thừa thắng xông lên", mở thêm những mặt trận mới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Manchester, New Hampshire, ngày 10/02/2020 REUTERS/Rick Wilking


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Sau nhiều tuần lễ bị chia trí vì thủ tục luận tội truất phế tổng thống, Donald Trump giờ đây yên tâm bước vào mùa vận động tranh cử để tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ bốn năm.

Tám tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, bất luận ai bên đảng Dân Chủ được chỉ định ra đọ sức với Donald Trump vào tháng 11/2020, ứng viên đó cũng khó có thể phủ nhận những thành công không thể chối cãi của đương kim chủ nhân Nhà Trắng từ đầu 2017 tới nay.

Trong thông điệp Liên Bang hôm 04/02/2020, tổng thống Trump đã mạnh mẽ tuyên bố thị trường lao động và mức lương tại Hoa Kỳ đang "cất cánh". Sự thực chỉ đúng 50 % : tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất từ 50 năm qua. Chỉ có 3,5 % người trong tuổi lao động không có việc làm. Theo các thống kê chính thức, từ 2017 chính quyền Trump tạo thêm 583.000 việc làm cho người lao động Mỹ. Ngay cả tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Latinh và châu Phi cũng đã giảm mạnh so với thời Barack Obama. Tuy nhiên, từ khi tổng thống Trump lên cầm quyền, mức lương trung bình ở Mỹ tăng 2,9 %, tức là ở nhịp độ tương đương so với dưới thời người tiền nhiệm. Không thể nói là mức lương tại Mỹ đã "tăng vọt".

Nhìn đến chỉ số tăng trưởng, nền kinh tế số 1 toàn cầu đang trải qua một chu kỳ tăng trưởng dài hiếm có : GDP của Mỹ đều đặn tăng trong 11 năm vừa qua. Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa tăng 2,3 % bất chấp tác động dây chuyền từ cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc. Thành quả đó có được nhờ mức tiêu thụ rất vững chắc của các hộ gia đình. Thị trường địa ốc cất cánh, giá nhà đất quay trở lại với thời điểm tiền khủng hoảng nợ xấu (subprime) 2007.

Trên thị trường chứng khoán, giới tài chính thực sự tin tưởng vào chính sách của nhà tỷ phú Donald Trump. Chỉ số Dow Jones hay Nasdaq đều đặn tăng từ "kỷ lục này đến kỷ lục khác". Từ ngày ông chủ địa ốc tại New York Donald Trump đắc cử hôm 08/11/2016 chỉ số Dow Jones tăng 55 % và đây là một lợi thế không nhỏ vì lương hưu của một số đông đảo người Mỹ tùy thuộc vào các chỉ số tài chính.

Thuyết kinh tế mang tên Trump

Vậy những thành quả đó do đâu mà có ? Phải chăng bức tranh kinh tế tươi sáng này có được là nhờ các biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp và tư nhân mà chính quyền Trump đã tung ra ngay từ cuối 2017 ? Cây bút xã luận thời báo kinh tế Alternatives Economiques Guillaume Duval chú ý đến chính sách kinh tế khá lập dị của đương kim chủ nhân Nhà Trắng : "Thành công của Donald Trump – hai chữ thành công trong ngoặc kép, là ông đã áp dụng chính sách kinh tế của cánh hữu, tức là giảm thuế cho doanh nghiệp, cởi trói cho thị trường và đi theo mô hình kinh tế tự do. Nói cách khác, Donald Trump mượn tiền của những người giàu có để phát triển kinh tế thay vì bắt số này phải đóng thuế. Đồng thời ông Trump chủ trương tăng các khoản chi tiêu để mặc cho thâm hụt ngân sách của chính quyền liên bang cứ tăng dần. Bội chi của chính quyền Mỹ hiện nay tương đương với gần 7 % GDP. Trước mắt liều thuốc này có hiệu quả vì lãi suất ngân hàng ở Mỹ hiện đang rất thấp, nhưng về lâu dài, đây là một biện pháp nguy hiểm vì núi nợ của Hoa Kỳ vốn đã lớn sẽ còn được thổi phồng thêm nữa".





Trả lời trên đài truyền hình France 24, ông Denis Jacquet, một doanh nhân Pháp hoạt động nhiều năm ở Hoa Kỳ và là sáng lập viên phong trào mang tên Day One chuyên quan sát về tác động của công nghệ mới đối với đời sống con người nhấn mạnh đến hiệu quả nhờ biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp và tư nhân mà tổng thống Trump đã ban hành ngay năm đầu khi bước vào Nhà Trắng : " Thật tình mà nói, thành quả có được là nhờ các biện pháp thuế khóa. Ở đây có nhiều khía cạnh của cùng một vấn đề. Các phương tiện truyền thông đưa ra những nhận định trái ngược nhau. Đài truyền hình Fox News thì không còn nghi ngờ gì nữa, toàn cảnh kinh tế tươi sáng ngày hôm nay là công lao của Donald Trump. Ngược lại đài truyền hình CNN thận trọng hơn và luôn đưa ra những bằng chứng để phân biện đúng/sai về những lời tuyên bố của nguyên thủ Mỹ. Tuy nhiên, có những chỉ số không thể chối cãi như là từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng, đã có 66.000 nhà máy được mở cửa và từ đó đến nay, đã có khoảng từ 6 đến 7 triệu người tìm được việc làm. Trên cả hai con số này, ngay cả bên đảng đối lập Dân Chủ cũng không thể phủ nhận. Ngoài ra, tất cả đều đồng ý rằng, biện pháp giảm thuế của chính quyền liên bang báo trước những biện pháp khác nhằm bảo vệ nền kinh tế của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung, thực ra thỏa thuận Washington mới đạt được với Bắc Kinh chỉ mang tính tượng trưng, để Donald Trump chứng minh với cử tri là ông mới là người bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ".

Bên cạnh ba chỉ số vừa nêu, cũng có một thực tế khác kém tươi sáng hơn, đó là tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Mỹ ngày càng lộ rõ. François Kalfon, thuộc đảng Xã Hội, cố vấn kinh tế vùng Paris Ile de France nhấn mạnh đến "liều thuốc kinh tế mà bác sĩ Donald Trump đã kê toa" : "Khi chúng ta nói đến chỉ số bất bình đẳng trong xã hội, thì đừng quên rằng, chỉ số thất nghiệp tại Mỹ hiện nay là 3,5 %, tức là tỷ lệ thấp nhất từ 50 năm qua. Các cộng đồng thiểu số người Mỹ gốc châu Phi hay Nam Mỹ cũng đã trông thấy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp chưa từng thấy. Nói cách khác, tình trạng việc làm của các cộng đồng người Mỹ da màu cũng đã được cải thiện. Nhưng khoảng cách giàu nghèo và những bất bình đẳng về mặt y tế, giáo dục ... vẫn tồn tại. Điểm thứ nhì cần lưu ý, là nếu chúng ta nhìn vào một số tiểu bang, có những điểm tương đồng giữa thành phần cử tri ủng hộ Donald Trump và phe ủng hộ hai ứng cử viên có lập trường tả khuynh nhất của bên đảng Dân Chủ là ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren. Sanders chẳng hạn có lập luận bảo hộ gần như là rập khuôn từ chương trình tranh cử của Donald Trump. Công bằng mà nói, chênh lệnh giàu nghèo tại Mỹ đã liên tục lớn dần dưới các chính quyền từ Ronald Reagan đến Bill Clinton và cho tới Barack Obama. Tất cả không phải do lỗi của Donald Trump. Ngoài ra, ông này chủ trương khai thác cùng lúc ba lá chủ bài của bên đảng Dân Chủ, đó là tăng chi tiêu công cộng, tăng thâm hụt ngân sách và áp dụng chính sách bảo hộ. Có thể nói cả ba chiêu bài này cùng đi ngược lại với đường lối truyền thống của bên đảng Cộng Hòa".

Công nghiệp và thương mại, hai nhược điểm trong Trumponomics

Cũng trên đài truyền hình Pháp France 24 chuyên gia kinh tế Gabriel Zucman, cố vấn cho hai ứng cử viên của bên đảng Dân Chủ là Bernie Sanders và Elizabeth Warren, nói rõ hơn về cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn ở Hoa Kỳ : "Ngay từ những năm 1980, Mỹ là quốc gia có khoảng cách bất bình đẳng xã hội cao nhất trong số các nền công nghiệp phát triển. Khi đó, 1 % những người giàu có nhất tại Hoa Kỳ cũng như tại Tây Âu nắm giữ 10 % tổng sản phẩm của toàn quốc. Hiện tại, 20 % GDP của Mỹ trong tay 1 % những nhà tỷ phú và triệu phú giàu nhất. Để so sánh, tại châu Âu, tỷ lệ này là 12 % ".




Trong thông điệp Liên Bang đọc trước Quốc Hội Lưỡng Viện, không thấy tổng thống Hoa Kỳ nhắc đến phân hóa giàu nghèo hay bất bình đẳng trong xã hội Mỹ. Ông cũng không đề cập đến khoản bội chi ngân sách 1.000 tỷ đô la, đến những khó khăn của nền công nghiệp Mỹ nói chung, của các hãng sản xuất xe hơi nói riêng, đến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mất 34 % so với thời điểm ông bước chân vào Nhà Trắng, tháng Giêng 2017.

Nhìn đến các chỉ số thương mại, bộ Thương Mại Mỹ hôm 05/02/2020 thông báo thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ trong năm 2019 giảm 2,4 % so với hồi 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ giảm hơn 17 %. Các chuyên gia Mỹ thì cho đây là dấu hiệu đầu tiên báo trước tăng trưởng tại Hoa Kỳ hụt hơi nhưng với Nhà Trắng, đó là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Washington thắng Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại.

Thừa thắng xông lên, chính quyền Trump nhắm tới Liên Hiệp Châu Âu. Thực vậy, thâm hụt mậu dịch của Mỹ với châu Âu trong năm qua đã tăng thêm gần 50 tỷ đô la. Điều này khiến tổng thống Trump không hài lòng chút nào.

Vào lúc tập đoàn máy bay Mỹ, Boeing thua lỗ vì hàng loạt máy bay 737 Max bị chôn chân ở các phi trường từ gần một năm qua, hàng chục ngàn chỗ làm bị đe dọa, Donald Trump chuyển hướng tấn công nhắm vào đối thủ của Boeing là Airbus.

Ngày 14/02/2020, Nhà Trắng thông báo tăng thuế nhập khẩu 5 % kể từ 18/03/2020 nhắm vào mỗi chiếc máy bay của châu Âu bán sang Hoa Kỳ. Mùa thu 2019, cũng vì Airbus, Washington được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới bật đèn xanh cho việc phạt châu Âu cạnh tranh bất bình đẳng gây thiệt hại cho phía Hoa Kỳ 7,5 tỷ đô la và do vậy Mỹ được quyền "đòi" lại số tiền tương đương bằng biện pháp tăng thuế 10 % đánh vào máy bay của châu Âu.

Ngoài lĩnh vực công nghiệp sản xuất máy bay, hàng loạt các sản phẩm của châu Âu, từ rượu vang của Pháp đến phó mát của Ý … đều trong tầm ngắm của Donald Trump. Cầm chắc là càng gần đến bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Nhà Trắng càng cứng giọng với các đối tác thương mại để lấy lòng cử tri. Thỏa thuận mậu dịch bán phần với Trung Quốc được ký kết trung tuần tháng Giêng 2020 là dấu hiệu cho thấy Washington muốn đưa vào bảng tổng kết kinh tế nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump khoản 200 tỷ đô la hàng hóa mà Trung Quốc hứa hẹn mua thêm trong hai năm sắp tới.

Thanh Hà
RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad