“Sản tộc” chỉ là giai cấp thống trị - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

“Sản tộc” chỉ là giai cấp thống trị


Đầu năm Canh Tý 2020 này, người dân Việt Nam lại được đọc một bài viết thuộc dòng “xu nịnh chính thống” (dân gian gọi là “bưng bô”) của tiến sĩ Nhị Lê trên báo Đầu Tư.

Hình minh họa: “Sản tộc” chỉ là giai cấp thống trị

Tất nhiên nội dung bài báo này cũng chẳng có gì đáng quan tâm vì nó cũ mèm và xào nấu lại những luận điểm cũ của giới lý luận cộng sản. Tuy nhiên, do tựa đề bài báo gây phản cảm, nên nó đã thu hút sự tấn công của dư luận và thậm chí cả sự phản đối của các nhà lý luận cộng sản khác, khiến bản thân ông tiến sĩ Nhị Lê phải thanh minh, nói lại cho rõ ý của ông.

Dù vậy, nhờ ông Nhị Lê, từ “dân tộc cộng sản”, hay “sản tộc” đã kịp trở thành một từ tiếu lâm để chỉ đảng Cộng sản.

Thật ra cuộc chiến về lý luận đã kết thúc từ lâu vì các ý tưởng của Mác đã hoàn toàn thất bại trên thực tế. Các nước châu Âu đều đã từ bỏ chủ nghĩa này. Ví dụ thảm họa gần đây nhất là “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” mà Hugo Chavez đem áp dụng  ở Venezuela. Kết cục là từ một quốc gia có trữ lượng dầu hỏa nhiều bậc nhất thế giới, Venezuela đã lâm vào một thảm họa nhân đạo khi hàng triệu người phải rời bỏ quốc gia nghèo đói bậc nhất thế giới này để tránh kết cục phải chết đói và mất tự do dưới chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta có thể đọc lại rất nhiều bài báo chính thống trong nước ca ngợi Venezuela cách đây nhiều năm để thấy được sự ấu trĩ của giới lý luận cộng sản trong nước như thế nào. Bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh một số lý luận ngụy biện rất căn bản mà giới lý luận cộng sản hay đem ra để lừa người dân Việt Nam, cụ thể ở đây là lý luận của ông Nhị Lê. Ngoài ra, tôi cũng muốn chỉ ra thực tế hiện tại của đất nước, khác xa với những gì mà Mác đã hình dung để những người như ông Nhị Lê có thể suy ngẫm.

“Sản tộc” không đại diện cho giai cấp vô sản

Trong chính Tuyên ngôn của đảng Cộng sản do Mác và Ăng-ghen viết, cũng như trong chính điều 4 Hiến pháp do đảng Cộng sản Việt Nam ban hành, đảng Cộng sản chỉ là bộ phận “tiên phong” của giai cấp công nhân. Trong Hiến pháp thì đảng Cộng sản Việt Nam thêm vào nội dung họ là đại diện cho nhân dân lao động và toàn dân tộc.

Giai cấp vô sản” theo định nghĩa của Mác là những công nhân không sở hữu phương tiện sản xuất mà “chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm”, “những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một”. Vậy thì các đảng viên cộng sản, nhất là các cán bộ cao cấp và trung cấp, có thật sự “vô sản” hay không?




Câu trả lời chắc chắn là không, vì cán bộ cộng sản cao cấp sống rất giàu có. Họ giàu đến độ mà bản thân ông Nguyễn Phú Trọng hô hào “đốt lò” chống tham nhũng nhưng lại tuyên bố: “vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân“.

Rõ ràng là nếu các cán bộ cộng sản thật sự không tích lũy nhiều tài sản cá nhân thì công khai tài sản cán bộ không có gì để gọi là “nhạy cảm” như ông Trọng tuyên bố. Ngược lại, việc này chứng tỏ cho người dân thấy cán bộ cộng sản không có tài sản gì đáng giá, thì càng chứng minh tính tiên phong của đảng Cộng sản, giúp đảng Cộng sản xứng đáng là một đảng đại diện cho giai cấp vô sản.

Cũng chính trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, Mác viết: “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”. Từ đó mới thấy được việc đảng Cộng sản không dám cho người dân Việt Nam biết họ đang “tư hữu” cái gì, vì bản thân người cộng sản cũng rất thèm khát “tư hữu”, sở hữu càng nhiều tài sản càng tốt nên họ mới sợ người dân Việt Nam biết họ đang “tư hữu” cái gì.

Tức là trên thực tế, đảng Cộng sản Việt Nam không hề thuộc giai cấp vô sản. Cán bộ cộng sản sở hữu nhiều tài sản đến mức họ không dám công khai, vịn vào cớ, đó là “quyền đời tư”, “quyền bí mật cá nhân”. Dân chỉ nhìn vào biệt phủ do cán bộ cộng sản ở, nhìn vào việc con cái của họ được đi du học thì cũng đoán được họ giàu như thế nào.

“Sản tộc” không đại diện cho nhân dân lao động    

Để xem xét đảng Cộng sản có phải đại diện cho nhân dân lao động hay không, chúng ta hãy thử khảo sát xem các cán bộ cộng sản có “lao động” hay không.
Điều 46 khoản 1 điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ:  “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, thu từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Đảng, ngân sách nhà nước và các khoản thu khác”.

Cần lưu ý rằng “ngân sách nhà nước” là do “nhân dân lao động” trích một phần thu nhập, doanh thu để đóng vào. Người dân tại các quốc gia khác trên thế giới, không có một đảng độc quyền cai trị, chỉ phải đóng thuế nuôi chính phủ để chính phủ làm việc phục vụ dân. Đảng viên đảng nào muốn hưởng lương từ thuế của dân thì phải thắng cử vào các vị trí dân cử để phục vụ dân chứ không được phép ăn bám vào tiền thuế của dân.

Ở Việt Nam, người dân phải lao động đóng thuế để nuôi thêm bộ máy của đảng Cộng sản trải dài từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó là các cơ quan của đảng Cộng sản nhưng được gán mác đại diện cho nhân dân như các đoàn thể trong Mặt trận Tổ Quốc. Tức là người dân Việt Nam phải đóng thuế để nuôi thêm bộ máy đảng và bộ máy Mặt trận. Bộ máy đảng không lao động mà chỉ “lãnh đạo” nhân dân. Còn bộ máy Mặt trận cũng không lao động mà chỉ “đại diện” nhân dân.

Có thể kể ra sự bóc lột rõ ràng của đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân lao động là quỹ lương của người lao động bị trích ra 2% để nộp cho Tổng Liên đoàn Lao động, một tổ chức của đảng Cộng sản tự nhận là đại diện cho người lao động. Chính đảng Cộng sản cũng thừa nhận là Tổng liên đoàn lao động chưa bao giờ lãnh đạo một cuộc đình công của công nhân, luật pháp của đảng Cộng sản cũng không hề tạo điều kiện cho công nhân đấu tranh với giới chủ bằng đình công.

Quyền của người lao động Việt Nam tệ đến nỗi Liên minh châu Âu, theo lý thuyết của Mác Lênin là đại diện cho “giai cấp tư sản”, đã buộc đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận cho người lao động Việt Nam quyền được thành lập nghiệp đoàn độc lập, không phụ thuộc vào Tổng Liên đoàn Lao động nữa.




Hệ thống quyền lực của “giai cấp tư sản” châu Âu lại phải đi đấu tranh cho quyền của người lao động Việt Nam. Riêng việc đó cũng khẳng định đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn toàn không hề đại diện cho “nhân dân lao động” mà ngược lại, đây là những tổ chức ăn bám, bóc lột “nhân dân lao động”.

“Sản tộc” không đại diện cho dân tộc 

Trong bộ luật dân sự do chính đảng Cộng sản ban hành đã quy định rất rõ, khi nào thì một người được coi là “đại diện” cho người khác để thực hiện các giao dịch dân sự. Trong quan hệ dân sự đã chặt chẽ như vậy mà đảng Cộng sản Việt Nam đòi “đại diện” về quyền lực chính trị cho cả dân tộc một cách khơi khơi, không hề qua một thủ tục pháp lý nào, thì đó là chuyện không thể chấp nhận được.

Thật vậy, trong một quốc gia mà “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” như điều 2 Hiến pháp quy định thì điều kiện tiên quyết là lãnh đạo quốc gia phải do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng, có nhiều đảng và nhiều cá nhân tham gia. Nếu chỉ có một đảng Cộng sản khống chế bầu cử, dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài đảng Cộng sản thì đó không phải là một cuộc bầu cử đúng nghĩa. Đó chỉ là sự áp đặt, dân mất quyền làm chủ đất nước.

Ông Hồ Chí Minh hiểu rõ điều đó nên sau khi “cướp chính quyền” năm 1945, để chính phủ của ông có tính chính danh thì đầu năm 1946 ông đã tổ chức Tổng tuyển cử gồm nhiều đảng phái khác tham gia. Thậm chí ông Hồ còn cử đảng viên cộng sản đi thành lập thêm đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội để ra vẻ với người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, rằng cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là một cuộc bầu cử tự do và công bằng, có nhiều đảng phái đại diện cho nhiều thành phần trong xã hội tham gia.

Ông Hồ hiểu rõ là nếu ông ta và đảng Cộng sản tổ chức bầu cử mà chỉ có một đảng Cộng sản tham gia thì người dân và cộng đồng quốc tế sẽ tẩy chay ngay vì thực lực của đảng Cộng sản lúc đó còn yếu.

“Sản tộc” thực tế là giai cấp thống trị   

Các ông tiến sĩ Mác Lê như Nhị Lê nên nhớ rằng, trước khi sửa sai vào năm 1986, đảng Cộng sản Việt Nam đã làm đúng lời dạy của Mác – Lênin là xóa bỏ tư hữu về kinh tế và thực hành độc quyền chính trị. Khi không còn tư hữu thì dân không còn động lực làm việc để tạo ra tài sản cho chính mình, nên cả đất nước đã lâm vào khủng hoảng kinh tế, tiền tệ, lương thực, chính trị nghiêm trọng.

Rõ ràng, lý thuyết xóa bỏ tư hữu của Mác là sai lầm hoàn toàn mà bản thân đảng Cộng sản cũng phải ngầm thừa nhận.

Cho nên sau đó đảng Cộng sản phải sửa sai một cách nửa vời là chấp nhận bảo vệ quyền tư hữu của cá nhân như điều 32 Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, tài sản quan trọng nhất, có giá trị nhất của người dân là đất đai, thì vẫn do Nhà nước, tức đảng viên cộng sản, “quản lý”.




Điều đó, trên thực tế có nghĩa là cán bộ cộng sản có thể tùy tiện tước đoạt tài sản đất đai của người dân, gây ra thảm cảnh hàng triệu dân oan mất đất, mất nhà trên cả nước, gần đây nhất là các vụ trọng án tại Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội,…

PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, viết rằng:

“Theo C.Mác, trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị chiếm đoạt lao động của các giai cấp và tầng lớp bị trị. Các giai cấp, tầng lớp bị trị không những bị chiếm đoạt kết quả lao động mà họ còn bị áp bức về chính trị, tư tưởng và tinh thần. Bởi sự hình thành giai cấp cũng là sự hình thành các lợi ích khác nhau. Lợi ích giai cấp không phải do ý thức giai cấp quy định mà do địa vị kinh tế – xã hội của giai cấp ấy tạo nên một cách khách quan. Giai cấp bóc lột bao giờ cũng dùng mọi biện pháp và phương tiện bảo vệ địa vị giai cấp của họ, duy trì củng cố chế độ kinh tế xã hội cho phép họ được hưởng những đặc quyền, đặc lợi giai cấp. Lợi ích cơ bản của giai cấp bị trị đối lập với lợi ích cơ bản của giai cấp thống trị. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đấu tranh giai cấp”.

Theo định nghĩa này của Các Mác thì đảng Cộng sản Việt Nam chính là giai cấp thống trị người dân Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam chiếm đoạt lao động của người dân Việt Nam qua thuế nộp vào ngân sách nhà nước và các loại phí như phí công đoàn. Cán bộ cộng sản có thể lấy đất đai, là tài sản xương máu của dân, bất cứ lúc nào. Ví dụ ngay sau Tết Canh Tý, quan chức Bình Định đã tổ chức cưỡng chế hủy hoại nhà ở của mẹ Việt Nam anh hùng, nơi thờ cúng liệt sĩ, để đem bán đấu giá mà không bồi thường.

Người dân Việt Nam cũng bị đảng Cộng sản áp bức về chính trị khi họ không có quyền thành lập đảng phái chính trị để ra ứng cử vào Quốc hội. Người dân Việt Nam cũng bị áp bức về tư tưởng, tinh thần khi không hề có quyền tự do báo chí, ra báo chí tư nhân, không có quyền tự do ngôn luận vì nếu phê phán đảng Cộng sản hoặc lý thuyết cộng sản thì sẽ bị đàn áp, bắt bớ.

Giai cấp thống trị bị lật đổ là quy luật tất yếu  

Như thế, theo đúng luận điểm về đấu tranh giai cấp của Mác, sự đấu tranh giai cấp ở Việt Nam là tất yếu, giữa một bên là giai cấp bị trị, những người dân không cộng sản ở Việt Nam, để lật đổ giai cấp thống trị là đảng Cộng sản.

Cũng theo Mác, đảng Cộng sản sẽ điên cuồng sử dụng bạo lực để bảo vệ địa vị cai trị bất hợp pháp của mình đến cùng, nhưng chắc chắn điều đó cũng không thắng nổi lòng dân như đã từng diễn ra ở Đông Âu, Liên Xô.

Cuộc đấu tranh giai cấp này chính là động lực của tiến bộ xã hội ở Việt Nam nhằm thiết lập chế độ dân chủ thật sự, khôi phục lại quyền làm chủ đất nước cho người dân, nhằm đến mục tiêu “cá nhân tự do, xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường”.


© Trung Nguyễn
    Viet-studies

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad